Xăm trong sợ hãi
Võ Linh (SN 2006, TPHCM, tên nhân vật đã được thay đổi) xăm dãy số La Mã trên bắp tay từ hồi học cấp hai. Cậu nhóc choai “còn non nớt, thiếu suy nghĩ” muốn “lưu lại kỷ niệm ngày sinh của mẹ trên da” vì “mẹ thương em nhiều lắm”. Nhưng từ ngày bắp tay in dấu mực, cậu luôn “sống trong sợ hãi”, mặc áo thun dài tay để che giấu và lảng tránh chuyện cởi áo lúc đi biển, đi bơi cùng gia đình.
Trong một đêm say ngủ, tay áo của cậu kéo ngược lên cao, chuyện xăm hình vỡ lở. “Ba mẹ làm công chức không có ai xăm hình, rất bất bình khi em xăm. Ba mẹ mắng nhiều lắm, tận mấy tháng lận”, Linh nói. Cậu muốn giải thích mà gia đình không tin nên im luôn. Đến giờ cả mẹ cũng chưa biết ý nghĩa dãy số trên bắp tay cậu. “Sau những lần trách mắng, ba mẹ khuyên bảo tập trung học hành, đừng xăm trổ, quậy phá khiến gia đình phải buồn phiền. Em biết mình chưa suy nghĩ kỹ, nếu làm lại sẽ không xăm hình mà chọn cách khác để thể hiện, ghi dấu tình cảm với mẹ”, cậu bộc bạch.
Hình xăm chữ số La Mã gắn với sinh nhật mẹ của Võ Linh. Ảnh: NVCC |
Chuyện xăm hình dần êm xuôi, Linh chuyển cấp thành công, trở thành học sinh một trường THPT năng khiếu thể dục thể thao ở TPHCM. Niềm vui đón chào năm học mới của cậu nhanh chóng được thay bằng nỗi lo che chắn hình xăm khi ở trường tất cả học sinh phải học bơi. Nội quy nền nếp kỷ luật ghi rõ “cấm học sinh xăm mình, hút thuốc lá”. Linh có chút hốt hoảng mỗi lần nghĩ đến việc nhà trường phát hiện hình xăm mà phải nghỉ học, chuyển trường như trường hợp một nữ sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Biên Hòa, Đồng Nai) lộ hình xăm ở ngực. Vì vậy, tranh thủ những ngày học trực tuyến ở nhà, cậu lục tung các diễn đàn về xăm hình để cầu cứu giải pháp và nhận được tư vấn dùng phấn phủ che khuyết điểm, miếng dán che hình xăm...
Trong khi đó, Trần Vy (SN 2003, Hà Nội) nhận được sự chia sẻ của gia đình, nhiều thầy cô và bạn học đối với chuyện xăm mình. Song không vì thế mà cuộc đời nở hoa với cô. Vy vẫn nhớ lần trốn đi xăm hình khá to ở đùi sau giờ học vẽ. Đến 23h chưa thấy con về, điện thoại không liên lạc được, mẹ cô nháo nhác đi tìm.
“Em ngồi xăm cũng thấp thỏm không biết mẹ có nổi trận lôi đình, điện thoại không nhớ để đâu. Tự nhiên 12 giờ đêm, anh thợ xăm có điện thoại hóa ra mẹ đã đứng trước cửa tiệm rồi. Thật may mẹ em không cáu mà còn ngồi xem em xăm và nói chuyện với anh thợ nữa, rồi đợi đến 4 giờ sáng đưa về”, Vy kể. Cô vừa thấy có lỗi khiến mẹ đợi cả đêm vừa có chút vui vì được chấp nhận.
“Xăm một xóa mười”
Những câu chuyện của Võ Linh, Trần Vy chỉ là lát cắt rất nhỏ, rất nhẹ nhàng so với những sự cố trong cộng đồng xăm hình. Trên một diễn đàn mà hai bạn trẻ này là thành viên, cô gái đến từ Hải Dương có biệt danh Nguy Chan lâm cảnh éo le khi xăm hình trái tim được tạo từ vân tay ngón áp út. Nhìn hình xăm còn mới tinh và hình chụp dấu vân tay, Nguy Chan và những người am hiểu về xăm hình đều nhận ra “chỉ có hình duy nhất được gọi là hoa tay là hình vân tay thật của bạn. Bạn đã bị xăm sai hình”.
Không ít người xóa hình xăm để lại sẹo. Ảnh: Fanpage HNBXG |
“Nhìn nó khác hẳn cái vân tay của mình nên rất khó chịu. Mỗi một hình xăm mang ý nghĩa riêng, trước khi xăm, mình phải suy nghĩ khá lâu, xem rất nhiều mẫu, kỳ vọng lớn, thế mà xăm lên lại khác, nên không thoải mái”, Nguy Chan ấm ức. Hình xăm sai khiến cô “bị tổn thương tâm lý, mất thì giờ, tiêu tan kỳ vọng và mất chi phí cả triệu đồng. Đáng buồn hơn, việc xử lý hình xăm sai không dễ dàng, càng cố sửa càng nát hình, còn xóa thì có không ít hệ lụy.
Nguy Chan và nhiều thành viên trong cộng đồng xăm hình đều hiểu việc tẩy xóa hình xăm là chuyện chẳng đặng đừng vì “xăm một xóa mười” xét về nỗi đau lẫn tiền bạc. Để sở hữu một hình xăm có thể chỉ mất vài trăm nghìn đồng, nhưng muốn “như chưa từng có dấu mực” lại ngốn tiền triệu, thậm chí cả chục. Liệu trình xóa mực là chuỗi thời gian nghe tiếng laser bắn lên da thịt khét lẹt, đau rát. Đoàn Hà, một thành viên diễn đàn, chia sẻ: “Thể theo nguyện vọng của mẹ yêu, đi xăm bó hoa hường cho nữ tính vì trước giờ toàn xăm outline (phác thảo - PV)”. Xăm hết 300 nghìn đồng, về hai mẹ con không ưng dẫn nhau đi xóa thẩm mỹ hết 5 triệu để không mang sẹo, phải tia nhiều lần đến khi nào mờ hẳn mới thôi”.
“Mình chưa xóa nhưng hai đứa bạn mình xóa bằng than, xong giờ để lại cái sẹo giống hình xăm luôn mà còn rõ hơn; còn một đứa xóa laser ổn hơn nhưng tiền xóa mắc hơn tiền xăm. Xóa rồi sẹo ghê lắm, nhìn cũng chả khác gì hình xăm bị lỗi”, Nguyễn Duy Anh kể.
Bốn năm trước từng vào bệnh viện để xóa một lần ba hình xăm, hai hình nhỏ và một hình lớn ở ngực, Lê Kim Chiến (TPHCM) không nhớ phương pháp xóa và chi phí, nhưng đến giờ cậu vẫn rõ cảm giác đau rát hơn lúc xăm. “Sau khi làm xong thì tôi ngất, hoặc có thể do lo quá nên nằm luôn ở chỗ xóa xăm. Đó là lần đầu tiên và lần cuối tôi đi. Ba đi cùng thấy tôi yếu nên chủ động nói sẽ không đưa tôi đi xóa nữa, sợ tôi xỉu cũng như đau và sẹo xấu”, Chiến chia sẻ.
Chưa bao giờ muốn xóa hình xăm, nhưng vì gia đình, Lương Minh Thuận đành xóa ba hình. Đến tận bây giờ, cậu vẫn nuối tiếc vì “tiền mất, sẹo mang”. “Lúc xóa quá đau nên mình bỏ dở liệu trình. Lúc chăm vết thương khi xóa cực kinh khủng, ăn kiêng đủ thứ mà vẫn sẹo”, Thuận nói.
Thuận chỉ là một trong nhiều người ước có cỗ máy thời gian trở về quá khứ trước khi phó thác cơ thể cho thợ xăm. Lỡ “nhúng mực” rồi mà buộc phải xóa thì thật “không cái dại nào bằng cái dại nào”.
Hãy nghĩ kỹ trước khi xăm
Không dám hé răng nửa lời phàn nàn nhưng anh Nguyễn Hồng Nam (36 tuổi, Hà Nội) biết mình phải mang nỗi đau dài lâu. Thời trẻ trâu bạn bè thách đố, Nam xăm mấy chữ trên ngực trái. Ai dè tay nghề thợ quá tệ, anh phải chữa cháy bằng cách xăm đè hình đầu chó sói. “Tay nghề thợ xăm non quá nên càng sửa càng sai. Vợ tôi sau này thi thoảng lại chọc, hình xăm con sói như con chó đội bông hoa”, anh Nam thở dài. Hình xăm quá lớn, chiếm hết cả mảng ngực trái nên dẫu muốn xóa nhưng chi phí khá lớn, chưa kể di chứng sẹo, Nam đành ngậm ngùi chấp nhận. Mỗi lần ra ngoài anh đành mặc áo kín mít che hình xăm lại. BẢO HÂN