Hiểu thêm về tài cao, đức sáng của Nguyễn Đăng Đạo

Hiểu thêm về tài cao, đức sáng của Nguyễn Đăng Đạo
TP - Nhiều nhà nghiên cứu góp thêm tiếng nói để tôn vinh, làm rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo nhân hội thảo khoa học “Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh”.
Hiểu thêm về tài cao, đức sáng của Nguyễn Đăng Đạo ảnh 1

Các nhà nghiên cứu, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tề tựu trong hội thảo làm rõ hơn về thân thế sự nghiệp của ông.

Tài cao

Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trì cuộc hội thảo khoa học ngày 13/10. Sử liệu ghi Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tự là Chất Phu, thụy Đôn Nhã, sinh năm 1651 mất năm 1719, tại Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh. Ông là con trai thứ hai của Tiến sĩ Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Đăng Minh, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân và cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Chính truyền thống khoa bảng của gia đình và không gian văn hóa Kinh Bắc góp phần giúp ông sớm bộc lộ tư chất thông minh.

Trước khi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập Đệ nhất danh (Trạng nguyên) tại khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683), Nguyễn Đăng Đạo đỗ Tam trường ở khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị 5 (1667). Đến khoa Quý Sửu niên hiệu Dương Đức 2 (1673) ông đỗ Giải nguyên. Minh chứng cho khí chất hơn người, TS. Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho rằng qua tìm hiểu cho thấy khi mới ba tuổi, Nguyễn Đăng Đạo được bác là Nguyễn Đăng Cảo đưa lên biên giới nhân chuyến tiếp sứ nhà Thanh. Nhà thờ Nguyễn Đăng Đạo hiện nay còn lưu đôi câu đối “Ba tuổi kỳ đồng tài kinh sứ Bắc/Mười năm Tể tướng danh vọng triều Nam).

Nguyễn Đăng Đạo từng đảm nhiệm các chức: Bồi tụng, Hộ bộ Hữu Thị lang, Lại bộ Hữu Thị lang, Ngự sử đài Đô ngự sử, Binh bộ Thượng thư sau được thăng Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên. Trong quá trình làm quan, ông hai lần được giữ chức Tri Cống cử trông coi tuyển dụng nhân tài cho đất nước ở kỳ thi Hội. Khi mất ông được phong Lại bộ Thượng thư, tước Thọ Quận công đồng thời được sắc phong Phúc thần phối thờ ở đình làng Hoài Bão.

Hiểu thêm về tài cao, đức sáng của Nguyễn Đăng Đạo ảnh 2 Một số hiện vật trưng bày bên lề hội thảo. Ảnh: Bảo Hân.

Đức sáng

“Di sản lớn nhất của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo để lại cho đời sau chính là tư tưởng làm quan giỏi để giúp đời, giúp nước của ông”, TS. Đặng Kim Ngọc nói. Ông giải thích, theo Nguyễn Đăng Đạo muốn giúp dân giúp nước có tâm thôi chưa đủ, phải là vị quan giỏi có đủ tài, đức. Nhiều lần ông dâng sớ lên triều đình khi thấu hiểu nỗi thống khổ của dân. Dân làng Hoài Bão vẫn truyền nhau câu chuyện triều đình ban cho Nguyễn Đăng Đạo khu ruộng lộc nhưng tính liêm khiết ông từ chối. Vua kiên quyết ban thưởng, Nguyễn Đăng Đạo xin lĩnh và cho các gia đình nghèo khó cày cấy và sau chia hẳn cho các gia đình này. Có năm mất mùa nhân dân đói khổ, ông viết thư cho phu nhân đem tiền thóc của nhà ra cứu đói.

Tên tuổi Nguyễn Đăng Đạo còn gắn với chuyến đi sứ năm 1697. Trong tham luận về chuyến đi sứ đòi đất này, TS. Nguyễn Hữu Tâm nhắc lại cả quá trình triều đình Lê-Trịnh cho nhiều người sang Thanh đòi đất, phải kể tới Chánh sứ Nguyễn Quý Đức và Nguyễn Danh Nho vào năm 1691. Năm 1967, Nguyễn Đăng Đạo được phong Chánh sứ sang Thanh đòi các vùng đất bị chiếm trong đó có động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang.

Mặc dù chuyến đi sứ này chưa thành công, nhưng công lao của Nguyễn Đăng Đạo ở chỗ đóng góp vào cả quá trình đấu tranh đòi đất bị chiếm. Thư tịch Trung Quốc cũng chép lại thái độ kiên trì đòi đất của nước ta. Chính trong chuyến đi này vua Khang Hy ban tặng Nguyễn Đăng Đạo là Trạng nguyên thứ nhất của Bắc triều. Sau này tới năm 1728, nhà Thanh phải trả lại những vùng đất lấn chiếm trước đó, trong đó có mỏ đồng Tụ Long. TS. Ngô Vũ Hải Hằng (Viện Sử học) dẫn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về cuộc đi sứ của Nguyễn Đăng Đạo, khẳng định tài tranh biện của ông trong cuộc thương lượng đòi lại đất cho vua nước Nam.

Hơn 20 tham luận và ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo khoa học một lần nữa làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo-công lao của ông được ghi nhận tại đôi câu đối trong nhà thờ ở quê nhà: “Đỗ Tiến sĩ làm Thượng thư, thế gian có nhiều/Đỗ Trạng nguyên làm đến Tể tướng thì hiếm có”.

Nhân dịp kỷ niệm 334 năm ngày Đại đăng khoa của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, BTC trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, tại Nhà Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám gồm gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật như: thư tịch chữ Hán, gánh sách, hòm sách, bút nghiên để người xem hình dung rõ hơn về Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, cũng như giới thiệu các hoạt động khuyến học, lễ báo công nhận bằng Giáo sư, Tiến sĩ tại các nhà thờ chi họ Nguyễn  Đăng.

MỚI - NÓNG