Hiểu rõ lịch sử để tránh lặp lại đau thương

Hội thảo Quốc gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm nhìn lại (ảnh Như Ý)
Hội thảo Quốc gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm nhìn lại (ảnh Như Ý)
TPO - GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu đúng về quá khứ, nhận rõ cái chính nghĩa, cái phi nghĩa và hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác.

Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh

Sáng 15/2, tại Hội thảo quốc gia kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, GS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2-18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1978), quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp.

Hiểu rõ lịch sử để tránh lặp lại đau thương ảnh 1 GS Phạm Hồng Tung 

“Việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay còn quá sơ lược, không tương xứng vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam”, ông Tung nhấn mạnh.

Theo ông Tung, khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.

Giúp học sinh tìm hiểu lịch sử “sâu sắc hơn”

Theo ông Tung, trong khi giới trẻ Việt Nam ít được giáo dục một cách khoa học về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thì học sinh, thanh niên Trung Quốc từ lâu được tuyên truyền sai trái rằng đây là "cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ".  

Hiểu rõ lịch sử để tránh lặp lại đau thương ảnh 2 Các đại biểu tham dự hội thảo (ảnh Như ý)

Là chủ biên chương trình Lịch sử phổ thông, GS Tung khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới "sẽ trình bày nội dung này toàn diện và cẩn trọng". Cụ thể, cấp THCS, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và quá trình bảo vệ chủ quyền Biển Đông sẽ được trình bày tóm lược ở sách giáo khoa lớp 9. Cấp THPT, trong sách lịch sử lớp 12, nội dung này được trình bày kỹ lưỡng hơn trong chủ đề: "Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng tám năm 1945 đến nay)".

Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc được đặt liền mạch với cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngoài ra, các cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ được viết cụ thể ở sách Lịch sử lớp 11 và 12.

"Theo cách này, học sinh sẽ được tìm hiểu lịch sử thuận lợi, sâu sắc hơn, tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử nhân danh vấn đề nhạy cảm", ông Tung khẳng định.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.