Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị xử lý ‘xe dù bến cóc giả danh xe Lào’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 18/5, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có Công văn gửi các cơ quan quản lý kiến nghị về việc: "dẹp xe dù bến cóc giả danh xe Lào hoạt động tại Việt Nam".

Theo đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội nhận được phản ánh của các đơn vị vận tải về việc công ty Thiên Thảo Nguyên (Hà Nội) với gần 20 đầu xe, loại xe chở khách 40 chỗ mang biển kiểm soát nước ngoài (biển số Lào) thường xuyên hoạt động kinh doanh vận tải du lịch và vận chuyển khách trên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa và Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà, dùng thương hiệu Interbus Line quảng cáo bán vé trên mạng, trực tiếp bán vé cho hành khách. Điều này vi phạm các quy định về “trốn thuế nhập khẩu xe, không chấp hành quy định về kê khai giá cước vận tải, tranh giành khách làm rối loạn thị trường vận tải".

Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị xử lý ‘xe dù bến cóc giả danh xe Lào’ ảnh 1

Văn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Cũng qua văn bản này, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác minh những sai phạm pháp luật giao thông vận tải, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm bằng hình thức thanh tra có chế tài đủ sức mạnh như: đình chỉ hoạt động doanh nghiệp, xử phạt hành chính doanh nghiệp và lái xe hoạt động trái pháp luật, truy thu thuế nhập khẩu phương tiện và số tiền thuế mà doanh nghiệp đã trốn thuế trong thời gian qua...

Trao đổi với Tiền Phong về văn bản kiến nghị này, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Thực tế những chiếc xe được nhắc tới trong công văn là xe được nhập từ Lào về. Điều này sẽ giúp công ty Thiên Thảo Nguyên được hưởng các ưu đãi như giảm thuế mua phương tiện. Hiện tượng này đã xảy ra từ lâu, có nhiều đơn vị vận tải sử dụng hình thức này để trốn thuế. Bộ Công An cũng đã vào cuộc và xử lý những trường hợp này”.

Ông cũng cho biết thêm: “Các đối tượng lợi dụng Hiệp định vận chuyển liên quốc gia giữa Việt Nam và Lào. Tuyến vận tải này có bến và tuyến đường cố định. Trước đây, ở Hà Nội, có đội xe xuất phát từ bến xe Nước Ngầm để sang bến của Lào. Tuy nhiên, hiện tại, tuyến này đã bị ngừng, tạo điều kiện để các vi phạm phát sinh. Họ mua xe từ Lào để được giảm thuế nhập khẩu, đồng thời giả danh xe chạy hợp đồng (xe chạy không theo tuyến). Công ty Thiên Thảo Nguyên quảng cáo và các điểm bán vé để thu hút thêm khách, điều này tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các đơn vị vận tải khác. Đặc biệt, việc kinh doanh này không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý giá cước, có dấu hiệu trốn thuế. Đáng ngạc nhiên là sự việc này chưa được xử lý bởi các cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục Đường bộ (quản lý tuyến đường Việt Nam - Lào) hay cơ quan cảnh sát giao thông. Vì vậy, các doanh nghiệp đã có kiến nghị để chấm dứt tình trạng xe dù bến cóc giả danh xe Lào, tránh gây thất thoát thuế của Nhà nước và đảm bảo an toàn, ổn định cho tuyến vận tải liên tỉnh”.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị xử lý ‘xe dù bến cóc giả danh xe Lào’ ảnh 2

Trong khi đó, cũng qua trao đổi với Tiền Phong và phản hồi về những thông tin liên quan đến công ty Thiên Thảo Nguyên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Thiên Thảo Nguyên cho rằng thực ra đây chỉ là việc cạnh tranh bình thường giữa các doanh nghiệp vận tải trên tuyến đường liên tỉnh.

Các hãng vận tải hành khách sau đợt dịch Covid-19 tăng giá dịch vụ lên khá nhiều. Tuy nhiên, công ty tôi quyết định không tăng theo xu hướng chung để tập trung cạnh tranh bằng nâng cấp công nghệ và cải thiện chất lượng phục vụ.

"Còn để giải thích về các xe mang biển kiểm soát Lào, công ty Thiên Thảo Nguyên có đầy đủ giấy tờ từ bảo hiểm, đăng kí, đăng kiểm để cung cấp cho các bên có thẩm quyền để đánh giá, xem xét. Có thể vì đơn vị tôi là đơn vị phục vụ khách du lịch chứ không chạy theo tuyến nên có sự xung đột về mặt lợi ích với các hãng khác. Quan điểm của tôi là ai sai người đó sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng cũng thông tin thêm: “Các xe mang biển Lào được phép chạy sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ trong một vài tuyến liên tỉnh, điều này được quy định trong các văn bản. Các vấn đề tài chính và thuế của công ty cũng được thực hiện minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật, vì vậy nói Thiên Thảo Nguyên trốn thuế là không có căn cứ”.

Được biết, Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, ký ngày 15/9/2010 chỉ rõ, xe ô tô của hai nước được phép lưu trú trên lãnh thổ của nước bạn - “tạm nhập” với thời gian là 30 ngày và được phép gia hạn 1 lần với thời gian không quá 10 ngày trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan.

Mặt khác, thời hạn giấy phép liên vận cấp cho xe vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch cũng có thể theo thời gian chuyến đi hoặc thời gian của chuyến du lịch nhưng không vượt quá 30 ngày. Vì vậy, hết thời hạn trên, các phương tiện này phải ra khỏi lãnh thổ nước bạn - “tái xuất”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ phương tiện lợi dụng việc này để "núp bóng” xe biển nước ngoài hoạt động lữ hành, hoạt động kinh doanh dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam dù quá thời hạn 30 ngày, nhưng cũng không chấp hành tái xuất, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính công bằng với các phương tiện trong nước.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.