>> Thu mua lúa gạo, bát nháo triền miên
Xuất khẩu gạo tại Công ty Gạo Việt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Điều hành ngược
Ông Danh Út nói: Vấn đề tiêu thụ lúa ở ĐBSCL, khi tôi đi tiếp xúc cử tri, lúc nào cử tri cũng đặt ra. ĐBSCL là vựa lúa cả nước, một năm thu hoạch khoảng 20 triệu tấn lúa, tương đương 10 triệu tấn gạo, trong khi sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước khoảng 4 - 5 triệu tấn. Nên, riêng ĐBSCL cũng đảm bảo lượng gạo thừa cho xuất khẩu.
Tỉnh Kiên Giang mỗi năm sản lượng 3,4 triệu tấn lúa, khoảng 1,5 triệu tấn gạo, nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ cho Kiên Giang xuất 600 ngàn tấn. Còn hơn 800 ngàn tấn đi đâu.
Với cách điều hành kiểu này, việc tiêu thụ lúa cho bà con nông dân rất khó khăn.
Ông nói VFA điều hành xuất khẩu gạo là vô lý. Sự vô lý ở đây là gì, thưa ông?
VFA là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng làm chức năng quản lý nhà nước, mà cách điều hành xuất khẩu gạo vừa qua chưa minh bạch, chưa công khai, nặng lợi ích của doanh nghiệp, xem nhẹ lợi ích nông dân.
Chúng ta cứ nói, nông dân bán gạo lãi một phần ba, nhưng thực chất thu nhập chỉ tương đương hộ cận nghèo. Vì một kilôgam gạo, nông dân lãi 1.000 đến 2.000 đồng, thì một héc ta, lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, các nhà trung gian mua gạo của nông dân lãi 5 - 6 lần so với lãi của nông dân. Như vậy, lúc nào phần thua thiệt cũng thuộc về nông dân.
Việc nông dân thua thiệt vì bị ép giá liên quan gì đến việc điều hành xuất khẩu gạo, thưa ông?
Sao lại không? Nơi có sản lượng lúa nhiều nhưng VFA chỉ cho xuất ít, như Kiên Giang chẳng hạn.
Trong khi đó, những nơi ít lại được cấp phép xuất khẩu nhiều. Như thế, khác nào ép nông dân Kiên Giang phải bán tháo, nếu không thì để gạo mốc.
Tôi nghĩ, cách điều hành của VFA vừa qua là điều hành ngược.
Cách điều hành ngược là thế nào?
Thì vừa rồi, lúc gạo trên thị trường thế giới giá 470 USD/tấn, lúa đang nhiều, các doanh nghiệp đăng ký mua gạo đến tháng 2/2009, thì VFA không cho xuất, vì lý do an ninh lương thực.
Đến tháng 5/2009, VFA đề nghị tăng xuất khẩu gạo thì giá đang xuống (380 USD/tấn), cả doanh nghiệp và nông dân mất cơ hội thu bạc tỷ.
Thưa ông, các bộ như Công Thương, Nông nghiệp có những bộ phận (tham tán thương mại, cơ quan dự báo thị trường...) thì lại không điều hành, trong khi VFA không có những bộ phận đủ mạnh để thông tin, dự báo thị trường thì lại điều hành xuất khẩu gạo. Thế mới xảy ra chuyện điều hành ngược?
Đúng, không có thông tin nên mới làm ngược.
Trong kỳ họp Quốc hội này, tôi đã gửi kiến nghị và chất vấn đến Bộ trưởng Công Thương và đề nghị: Chuyển giao việc điều hành xuất khẩu gạo của VFA sang Bộ Công Thương, để bộ này thực hiện đúng chức năng theo pháp luật quy định, trên cơ sở, phối hợp với Bộ Nông nghiệp.
Còn VFA trở về thực hiện đúng chức năng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tham vấn với các bộ để việc điều hành xuất khẩu gạo khoa học và hiệu quả hơn.
Mặt khác, vấn đề xuất khẩu gạo là rất hệ trọng, vì liên quan an ninh lương thực. Vì vậy, nên cho chủ tịch UBND các tỉnh ở vùng lúa trọng điểm là thành viên tổ điều hành. Như vậy, việc điều hành mới sát thực tế.
Nhưng thưa ông, khi chuyển qua Bộ Công Thương điều hành, có sợ lại nảy sinh cơ chế xin - cho?
Tất nhiên, khi chuyển qua Bộ Công Thương điều hành, phải xây dựng cơ chế cụ thể, minh bạch. Lượng gạo xuất khẩu lâu nay chủ yếu từ các tỉnh ĐBSCL.
Sau khi cân đối an ninh lương thực, tỉnh nào thừa bao nhiêu, tổng lượng gạo ký xuất được bao nhiêu, dựa trên cơ sở đó công khai việc phân bổ lượng gạo xuất khẩu...
Cùng đó, có các thành viên, đại diện của các tỉnh, các ngành cùng tham gia điều hành thì làm sao tiêu cực được.
Sẽ chất vấn tại Quốc hội
Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Kiên Giang - ông Danh Út. Ảnh: PV |
Ông nói đã gửi nội dung chất vấn chuyện điều hành xuất khẩu gạo tại kỳ họp này. Ông chất vấn ai vậy?
Tôi gửi phiếu chất vấn bộ trưởng Bộ Công Thương, Nội vụ, đề nghị bộ trưởng cho biết VFA là tổ chức gì, tổ chức xã hội nghề nghiệp hay là một cơ quan nhà nước, khi nào chuyển việc điều hành xuất khẩu gạo sang cho Bộ Công Thương...
Nếu hai bộ trưởng Công Thương, Nội vụ không trả lời, hoặc trả lời không thỏa đáng, tôi sẽ chất vấn Thủ tướng. Chất vấn đến khi nào có chuyển biến mới thôi.
Nhưng tại kỳ họp cuối năm trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhận trách nhiệm việc ngừng xuất khẩu gạo, gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp rồi, thưa ông?
Tôi khâm phục ông Cao Đức Phát, vì đúng ra đây là lĩnh vực của Bộ Công Thương, cụ thể hơn là VFA. Thái độ đó của ông Phát, tôi rất trân trọng.
Cung cấp thông tin để nông dân không bị ép giá
Thưa ông, thực tế nhiều khi so sánh giá mua gạo của nông dân với giá bán gạo xuất khẩu, doanh nghiệp thường lãi gấp 5 - 6 lần nông dân?
Đây cũng là một thực tế. Cái chính là, do nông dân thiếu thông tin, không nắm rõ thông tin về giá, trong khi doanh nghiệp không có hệ thống chân rết, chủ yếu mua lúa gạo của dân qua các thương lái.
Vì thế, từ công đoạn mua lúa của nông dân đến công đoạn xuất khẩu, qua 5 - 6 đầu mối, mà mỗi đầu mối ăn một tí, còn nông dân ở khâu đầu bị thiệt.
Vậy làm thế nào để nông dân không bị ép giá?
Để thương lái không ép giá phải thông tin cho dân giá cả. Bộ Công Thương, VFA phải thông báo tình hình giá cả đến từng địa phương, địa phương có trách nhiệm thông báo, cập nhật giá cả cho nông dân biết.
Thực tế, nông dân nhiều khi biết mình bị ép giá cũng phải chịu vì không có kho tích trữ?
Đúng vậy! Thái Lan có hệ thống kho dự trữ lên tới 4 - 5 triệu tấn gạo, trong khi Việt Nam chỉ khoảng một triệu tấn. ĐBSCL cứ ba tháng là có lúa, trong khi không có kho đủ để dự trữ nên không thể chờ giá cao mới bán.
Chính phủ đã có chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ nhưng làm rất chậm.
Kiên Giang sản lượng mỗi năm khoảng 3,4 triệu tấn lúa nhưng chỉ có 17 kho chứa được 150.000 tấn gạo, không đáng kể. Các doanh nghiệp định xây thêm 25 kho chứa khoảng 600 ngàn tấn gạo.
Chi phí xây dựng khoảng 250 tỷ đồng, số tiền nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề nghị nên có gói kích cầu của Chính phủ đối với việc xây kho.
Thì Chính phủ vừa có gói kích cầu cho nông nghiệp, thưa ông?
Bắt đầu từ 1/5, gói kích cầu được thực hiện, nhưng chỉ hỗ trợ cho nông dân vay vốn với lãi suất bốn phần trăm để mua máy móc sản xuất nông nghiệp, xây nhà cửa.
Nhưng thời gian cho vay quá ngắn, chỉ trong hai năm trong khi đặc điểm nông dân Nam Bộ không biết làm thủ tục, vì vậy ít người vay. Nên kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất 5 năm.
Ngoài ra, việc cho vay vốn hỗ trợ với điều kiện buộc nông dân phải mua máy móc của doanh nghiệp trong nước sản xuất đề kích cầu, nhưng máy nông nhiệp trong nước không có đủ, chất lượng kém mà giá thành cao, trong khi máy nông nghiệp Trung Quốc tràn lan, lại rẻ.
Nông dân ĐBSCL rất chuộng máy gặt đập liên hợp nhưng trong nước chưa sản xuất được. Trong khi máy gặt đập của Trung Quốc giá 254 triệu đồng.
Ông Danh Út, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Kiên Giang: Thái Lan có hẳn chiến lược xuất khẩu gạo cụ thể, nên họ chủ động xây dựng được thương hiệu cho gạo xuất khẩu. Gạo Việt Nam mình ngon không thua Thái Lan nhưng gạo của chúng ta chưa có thương hiệu. Theo tôi, Chính phủ cần có chiến lược về gạo và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có gạo. Như vậy gạo mới có giá và bán thuận lợi. |
Cảm ơn ông.
Bá Kiên - Hải Yến
Thực hiện