Hiện vật quý kể chuyện về Đảng

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và đại biểu tham quan trưng bày về chặng đường 90 năm thành lập Đảng Ảnh: KỲ SƠN
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và đại biểu tham quan trưng bày về chặng đường 90 năm thành lập Đảng Ảnh: KỲ SƠN
TP - Hơn 200 hình ảnh, hiện vật được lựa chọn cho trưng bày chuyên đề Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam-Một chặng đường vẻ vang, khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội chiều 15/1.

Những mốc son

Chuyên đề “Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Một chặng đường vẻ vang” kéo dài hết tháng 3, nhằm kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng Đại hội đại biểu các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tới dự khai mạc và tham quan triển lãm có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành.

Hiện vật quý kể chuyện về Đảng ảnh 1 Chiếc áo trấn thủ và thanh gươm do Hồ Chủ tịch trao tặng “Vua Mèo” năm xưa 
Ảnh: KỲ SƠN
“Trưng bày chuyên đề này giới thiệu tới công chúng những dấu mốc quan trọng, những thành tựu vẻ vang của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định vai trò, uy tín, năng lực và sức chiến đấu của Đảng trên con đường cách mạng Việt Nam”, TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc. Những người thực hiện lựa chọn hơn 200 tài liệu, hình ảnh để tập trung làm rõ bốn chặng đường của đất nước gắn liền với vai trò của Đảng lãnh đạo. Phần thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945). Người xem được ôn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước trước và sau khi Đảng ra đời. Nhiều bức ảnh tư liệu làm rõ ba cao trào cách mạng lớn 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cao trào đòi dân sinh, dân chủ 1936 -1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945 với đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Phần thứ hai kể lại quá trình Đảng lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945 - 1975). Tư liệu ảnh và hiện vật tái hiện những quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đưa nước ta ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập đi qua hai cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ. Phần thứ ba xoay quanh nội dung về đường lối lãnh đạo của Đảng sau khi thống nhất đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, và quá trình đổi mới đất nước. Những người thực hiện dành hẳn phần thứ tư làm nổi bật nội dung về tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đưa đất nước phát triển và hội nhập kinh tế. 

Hiện vật độc bản

“Chúng tôi chọn hơn 200 ảnh, tài liệu và hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật, độc bản, quý hiếm”, TS Hà giới thiệu. Hai hiện vật mới nhất được đưa ra trưng bày là thanh gươm và chiếc áo trấn thủ do Bảo tàng mới tiếp nhận năm 2019. Đây là hai kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho cụ Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) - thủ lĩnh của đồng bào Mông. Đồng bào Mông xưa nay vẫn xem hai hiện vật này và câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ và ông Vương Chí Sình là biểu tượng của tình đoàn kết, niềm tin son sắt theo Đảng và Bác của đồng bào vùng cao từ thuở Hà Giang chưa được giải phóng. 

Thanh gươm và chiếc áo trấn thủ được giữ gìn cẩn trọng, do đích thân ông Vương Quỳnh Xuân - cháu đích tôn “Vua Mèo” Vương Chí Sình mang về từ Canada trao tặng Bảo tàng hồi tháng 8/2019. Áo trấn thủ màu cỏ úa thêu ngôi sao vàng do chị em phụ nữ Hải Dương tặng Bác năm 1950 với dòng chữ “Kính tặng Hồ Chủ tịch - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hải Dương”. Sau Bác cho thêu thêm bên dưới dòng chữ “Chuyển tặng Vương Chí Thành, đại biểu Quốc hội”. Thanh gươm là món quà Bác Hồ gửi tặng “Vua Mèo” năm 1956. Thanh gươm dài hơn 70cm do Bác chỉ thị cho Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng rèn, tự tay Bác viết trên bao gươm hai dòng chữ “Tận tâm báo quốc/Bất thụ nô lệ”.

Trong số các hiện vật khác, người xem tò mò với mô hình ngôi nhà số 9 ngõ Compoint tại Paris, Pháp được sắp đặt ở ngay nội dung đầu tiên của khu trưng bày. Ngôi nhà ba tầng có chiếc cổng sắt nhỏ dẫn lên. Ngôi nhà này chính là nơi ở của thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ năm 1921-1923. Trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc ở trên tầng 2, trong căn phòng nhỏ vỏn vẹn 9m2. Năm 1974, nhà nước ta tổ chức sưu tầm và đưa một số hiện vật như chiếc tủ đựng quần áo, chiếc tủ con để đầu giường... về nước. Một số hiện vật khác được đưa vào Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Montreuil (Pháp) với góc trưng bày “Không gian Hồ Chí Minh”.

“Chúng tôi kỳ vọng cuộc trưng bày có sức lan tỏa, góp phần bồi đắp niềm tin, niềm tự hào đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới đất nước”, TS Hà nói.

Không chỉ có hiện vật quý gắn với Hồ Chủ tịch, Bảo tàng chọn một số kỷ vật là quà tặng của các đoàn đại biểu dành cho Đảng để trưng bày. Đó là chiếc đĩa sứ có in hình cờ Việt Nam và cờ Đức của Đảng Cộng sản Đức tặng Đảng Cộng sản Việt Nam. Một bộ dùng trà tinh xảo màu xanh lam là quà tặng của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Đảng Cộng sản Việt Nam. Một tặng phẩm khác từ nước Nga là mô hình xe tăng của Quân đội Liên Xô tặng Đoàn Đại biểu Đảng ta dự Đại hội lần thứ 23 Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 4/1966.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.