Hiện vật đặc biệt kể chuyện về Bác

Bộ cà phê do Chủ tịch Liên Xô cũ tặng Bác
Bộ cà phê do Chủ tịch Liên Xô cũ tặng Bác
TP - Gần 200 hiện vật được lựa chọn kỹ lưỡng trong trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh-Chân dung một con người”, khai mạc sáng 17/5 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Dấu mốc cách mạng

Trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm trong chuỗi hoạt động hướng về kỷ niệm 129 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện di chúc của Người và tiếp tục thực hiện chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Gần 200 tài liệu, hiện vật, ảnh tiêu biểu được lựa chọn trưng bày thể hiện hai nội dung: Hồ Chí Minh - trọn đời vì nước vì dân, Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại. TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói, số hiện vật này thể hiện các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và sau khi đất nước giành được độc lập.

Khách tham quan được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử vô giá, như bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... do chính tay Hồ Chủ tịch viết hoặc đánh máy trên nhiều loại giấy khác nhau. Trong đó, có một số hiện vật là Bảo vật quốc gia như sách Đường Kách mệnh, tác phẩm Ngục trung nhật ký, bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...

Những người thực hiện trưng bày cố gắng tái hiện những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người qua các nhóm hiện vật. Nhiều hình ảnh lịch sử giá trị được giới thiệu như ảnh chụp tranh vẽ Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng nhà Rồng (Sài Gòn) đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911, bản chụp yêu sách tám điểm của Nguyễn Ái Quốc và một nhóm người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, thành phố Tours năm 1920, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quảng trường Ba Đình.

Bên cạnh hiện vật gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người, nhiều người thăm triển lãm biết thêm về cuộc sống giản dị của Bác thông qua đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày: Vali, bát đũa, nồi cơm, hòn đá, quần áo, máy chữ... Chiếc va li mây, chiếc nồi trong triển lãm là hiện vật Bác mang từ Trung Quốc về, được Người sử dụng trong thời gian sống và hoạt động ở hang Pắc Bó, Hà Quảng, Cao Bằng năm 1941. Chiếc lọ, đôi đũa Bác dùng trong quãng thời gian “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”.

Bác trong trái tim muôn người

Hiện vật trưng bày tình cảm gắn bó của Bác với nhân dân chiếm được tình cảm của người xem. Có thể kể đến chiếc khăn quàng Bác thường dùng, sau đó tặng lại cho ông Thủy Bách (cần vụ của Người khi ở Pắc Bó, xã Bế Triều, Hòa An, Cao Bằng năm 1941). Hoặc bộ quần áo Bác mặc ở Việt Bắc trước khi tặng ông Mã Sơn ở xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng.

Hiện vật đặc biệt kể chuyện về Bác ảnh 1 Ðũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bài ca “Kết đoàn” năm 1960

Nhiều người xem chú ý tới cây đũa Bác dùng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng bắt nhịp bài ca Kết đoàn, gắn liền với bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long ghi lại tối 3/9/1960 tại công viên Bách Thảo. Sự kiện lãnh tụ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và đại hợp xướng hát bài Kết đoàn là dấu ấn đẹp của âm nhạc nước nhà. Vì thế, năm 2014, Thủ tướng quyết định lấy ngày 3/9 là Ngày âm nhạc Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được kho tàng quà tặng hiện vật thể hiện tình cảm kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với Người. Đồng bào dân tộc ở chiến khu Việt Bắc tặng Bác chiếc túi trong thời gian Bác ở chiến khu trước cách mạng tháng Tám 1945. Ấm sắc thuốc của bà Hoàng Thị Đậu ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên dùng sắc thuốc chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch trong thời gian Người bị ốm tháng 5/1945.

Bức vẽ chân dung Hồ Chủ tịch do các tù nhân Côn Đảo tặng năm 1954. Nhóm nữ tù chính trị tại nhà lao Chí Hoà thêu tặng Bác chiếc áo gối. Nhóm hiện vật năm 1955 bao gồm: Những chiếc khăn của đồng bào tỉnh Thái Nguyên và đồng bào Thái, cờ do đồng bào Gia Rai tặng Hồ Chủ tịch, bức thêu của phụ nữ xóm Nầm Sất, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai tặng Người.

Tượng “Chân dung Bác Hồ” xuất hiện ở phần trung tâm là tác phẩm của bà Nguyễn Thị Kim. Bà là nữ họa sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam được trực tiếp sáng tác tượng Hồ Chủ tịch, khi này Bác đang làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình họa sĩ bảo quản chôn giấu trong vườn nhà cho tới ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, sau này tượng Bác được chuyển tới Bảo tàng Cách mạng Việt Nam bảo quản (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Hiện vật đặc biệt kể chuyện về Bác ảnh 2 Tượng chân dung Bác làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946

Không riêng người dân Việt Nam mà Chính phủ và nhân dân nhiều nước trên thế giới cũng gửi gắm tình cảm dành cho Người qua loạt hiện vật. Đó là đôi lục bình cắm hoa do đồng bào dân tộc thiểu số Trung Quốc tặng Bác năm 1958. Bộ tách cà phê chạm bạc là quà tặng của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô. Ngoài ra còn có tượng gỗ, bình đựng rượu, mô hình tháp Eiffel, hay chiếc cồng bằng đồng do nhân dân Indonesia tặng Bác.

“Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ có dịp tìm hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về cuộc sống giản dị, chí công vô tư của một người cộng sản”, TS Nguyễn Văn Cường  nói. Trưng bày kéo dài hết tháng 8 năm nay.

Khách tham quan được chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử vô giá, như bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... do chính tay Hồ Chủ tịch viết hoặc đánh máy trên nhiều loại giấy khác nhau. Trong đó, có một số hiện vật là Bảo vật quốc gia như sách Ðường Kách mệnh, tác phẩm Ngục trung nhật ký, bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...

MỚI - NÓNG