Ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nêu, một số cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke chưa thực hiện tốt quy định như không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ hoặc chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống cháy nổ. Điều này dẫn đến một loạt vụ cháy, có nơi gây thiệt hại tính mạng.
Trong vòng một tuần tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội xảy ra ba vụ cháy quán karaoke Olala, Up-stairs, Sao xanh, cùng với loạt vụ cháy khác trong năm. Quảng Ninh có vụ ngạt khí tại huyện Hải Hà khiến 10 người tử vong, cùng nhiều địa phương thành điểm nóng như TPHCM, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa. Đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, vừa rồi thống kê những cơ sở vi phạm, yêu cầu điều chỉnh, làm lối thoát hiểm để đảm bảo sự an toàn cho người dân. Tuy thế, vi phạm về kinh doanh karaoke nhan nhản, nhiều nơi là nhà riêng cải tạo thành điểm kinh doanh, khó đáp ứng tiêu chí hai lối thoát hiểm.
Hiện cả nước có khoảng 36 nghìn cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường theo quy hoạch, nhưng thực tế chỉ có 17.321 cơ sở hoạt động. Theo số liệu thống kê đến giữa năm 2014, các địa phương kiểm tra và phát hiện 4.624 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt khoảng 6,2 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì hội nghị đánh giá và triển khai các văn bản quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường, nêu không hiếm tình trạng người kinh doanh chưa đảm bảo cơ sở vật chất trong kinh doanh karaoke và vũ trường. Nhiều cơ sở thiết kế tận dụng phòng hát, không đảm bảo quy định về ánh sáng, tiếng ồn vượt quá mức cho phép gây ảnh hưởng khu dân cư. Chưa kể biến tướng từ karaoke sang kinh doanh vũ trường, tàng trữ vũ khí, ma túy, rượu lậu. Ở TPHCM còn có karaoke rượu trong tang ma cưới hỏi, hát trong cabin. Bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VHTT&DL Hà Nội nêu, Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo chưa quy định đầy đủ về xử phạt gây khó cho cơ quan quản lý. Cụ thể, không có điều khoản thu hồi tang vật, nên nhiều cơ sở vi phạm khá ngang ngược khi có đoàn kiểm tra.
Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định, quán karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên. Bà Thùy Anh nêu, khoảng cách này khá mơ hồ, vì có nơi tính theo đường giao thông trong khi khoảng cách thực tế theo kiểu “gần nhà xa ngõ”. Một số bất cập khác liên quan đến cấp phép vô hạn cho các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, thu phí một lần khi cấp phép cũng đẩy cơ quan quản lý vào chỗ khó.
Theo dự báo của ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL), sắp tới Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới có hiệu lực, việc quản lý kinh doanh karaoke, vũ trường còn phức tạp hơn. Ông Thái cũng nói, có những điều kiện duy ý chí “cần sửa phải sửa”. “Trên lưng người kinh doanh karaoke cõng tới 4-5 loại giấy phép như kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường. Ngay từ khi họ xin giấy phép, mấy cơ quan phải ngồi với nhau, đừng để người ta đầu tư tiền tỷ rồi mới bảo không cấp phép”, ông nói. Thời gian qua nhiều chủ kinh doanh karaoke tại Hà Nội lao đao vì trót đầu tư tiền tỷ nhưng bị treo cấp phép, phải đợi UBND TP. Hà Nội ra văn bản gỡ rối, giao lại việc quản lý cấp phép về quận, huyện.
Ông Thái cũng không đồng tình ý kiến “xử nặng cho nó chết”, theo ông “chỉ xử vừa vừa thôi, có tính răn đe, chẳng ai muốn sập tiệm”. Một loạt vấn đề về giấy phép vô hạn hay thời hạn bao lâu, thông tư hướng dẫn loại hình kinh doanh có điều kiện (trong đó có karaoke), sửa đổi nghị định 103 cho phù hợp với tình hình mới... sẽ được Bộ góp ý, kiến nghị chỉnh sửa trong thời gian tới.
Post by Báo Tiền Phong.