Hiểm họa từ thuốc giả
Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc.
Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những gì tệ hơn thế và được bán như thuốc thật.
Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng thì bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc, thậm chí là tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10! Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Chưa có một số liệu thống kê chính thức nhưng tỷ lệ ngộ độc thuốc ở Việt Nam có không ít trường hợp do dùng phải thuốc giả, thuốc nhái. Sau khi uống thuốc chỉ vài phút, đột nhiên người bệnh thấy khó thở, ngứa họng, ngứa mũi; hơi thở ra có thể có mùi thuốc; nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, trường hợp nặng có thể bị co giật... đó là những dấu hiệu bạn đang bị ngộ độc thuốc.
Dị ứng thuốc là tình trạng hay gặp nhất khi sử dụng thuốc, nhất là thuốc giả, thuốc nhái. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 – 30 phút hoặc một vài ngày.
Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn shock phản vệ…
Thái Hà