Một mình một kiểu
Theo ông Mai Thế Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tổng cục Môi trường, những bất cập trong việc quản lý môi trường bằng ĐTM đã được nói rất nhiều, rất rõ những năm qua. Chúng ta làm không giống ai trên thế giới.
TS Hoàng Dương Tùng, chuyên gia môi trường chia sẻ, theo quy định, báo cáo ĐTM là công cụ dự báo được làm ở giai đoạn chuẩn bị dự án nên thông tin về dự án mới sơ bộ, chưa có thiết kế xây dựng, thiết kế kỹ thuật chi tiết. Tuy nhiên, báo cáo ĐTM lại có một số yêu cầu chi tiết, cụ thể về công nghệ sản xuất và các tác động đến môi trường, các biện pháp công nghệ/công trình hạ tầng bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong suốt đời dự án. Vì vậy, tình trạng báo cáo ĐTM thiếu số liệu và chất lượng kém khá phổ biến. Thậm chí, một số trường hợp phải “bịa, cắt dán” số liệu khi chuẩn bị báo cáo ĐTM.
Nhiều doanh nghiệp thuê các tư vấn không có kinh nghiệm chuyên môn chuẩn bị nên dữ liệu thông tin thiếu và kém đó lại trở thành cơ sở cho công cụ quản lý toàn bộ dự án, là cơ sở để thanh tra, kiểm tra trong suốt vòng đời dự án. Ông Toản cho biết, thực tế, báo cáo ĐTM được phê duyệt thường khác so với giấy phép xả thải, thiết kế kỹ thuật và xác nhận công trình bảo vệ môi trường.
TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói: “ĐTM được thế giới coi là công cụ dự báo tác động môi trường. Đã là dự báo thì không bao giờ chính xác 100%, đặc biệt dự báo tác động môi trường phải dài hạn chứ không ngắn hạn như dự báo khí tượng. Dự án thủy điện Sơn La, từ lúc làm ĐTM đến khi vận hành hết hơn 10 năm. Vậy làm sao đòi hỏi chính xác được”.
ĐTM chỉ là dự báo tác động môi trường nhưng hiện nay nhiều dự án gộp cả dự báo tác động xã hội, dự báo tác động sức khỏe khiến ĐTM như một công cụ vạn năng.
Trả ÐTM về đúng vị trí
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đưa ra Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 2/2020.
Theo ông Mai Thế Toản, một trong những nội dung lớn trong bộ luật này được sửa đổi là thay đổi vai trò của báo cáo ĐTM. ĐTM chỉ còn giá trị đến khi xây dựng, vận hành dự án. Thay vì quyết định phê duyệt ĐTM, cơ quan chức năng đang cân nhắc việc ban hành văn bản chấp thuận ĐTM. Dự kiến, các dự án đầu tư được chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm, quy định về ĐTM khác nhau.
Với dự án nhóm A (dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất) phải thực hiện quy trình ĐTM đầy đủ gồm đánh giá tác động sơ bộ trước khi phê duyệt đầu tư, đánh giá chi tiết trong giai đoạn xây dựng dự án. Với dự án nhóm B (có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng) sẽ ĐTM ở giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư. Với dự án nhóm C (ít gây ô nhiễm môi trường) chỉ cần đánh giá môi trường sơ bộ. Với dự án nhóm D ( không gây tác động môi trường) thì không cần làm ĐTM.
Ông Toản cho biết thêm, khi xây dựng và vận hành dự án sẽ áp dụng công cụ giấy phép môi trường. Hiện nay, doanh nghiệp đang chịu nhiều thủ tục môi trường như giấy phép xả thải, sổ chủ nguồn thải, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Dự kiến trong luật mới, tất cả sẽ tích hợp chung vào giấy phép bảo vệ môi trường, trong đó quy định rõ được xả gì, ở đâu, bao nhiêu và khi nào.
TS Hoàng Dương Tùng nhận định, nếu sửa đổi luật lần này, trả ĐTM về đúng vị trí của nó và bổ sung các công cụ khác phù hợp với từng giai đoạn của dự án sẽ là đột phá trong quản lý môi trường ở Việt Nam. Ông cũng cho biết, việc áp dụng giấy phép môi trường khi đã có đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn, thực tế hơn, tiệm cận dần cách quản lý tiên tiến của thế giới.
Báo cáo ĐTM lại có một số yêu cầu chi tiết, cụ thể về công nghệ sản xuất và các tác động đến môi trường, các biện pháp công nghệ/công trình hạ tầng bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong suốt đời dự án. Vì vậy, tình trạng báo cáo ĐTM thiếu số liệu và chất lượng kém khá phổ biến. Thậm chí, một số trường hợp phải “bịa, cắt dán” số liệu khi chuẩn bị báo cáo ĐTM.
TS Hoàng Dương TÙNG