Phố Nguyễn Sơn còn được gọi là “phố hàng không” vì có trụ sở của Cục Hàng Không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và nhiều đơn vị liên quan đến hàng không khác.
Sự đông đúc của con phố này còn có sự đóng góp của “thủ phủ” hàng xách tay. Trong đó, ngõ 158 phố Nguyễn Sơn dài chưa đến 500m nhưng có đến hàng chục cửa hàng bán hàng xách tay. Ban đầu, đây là nơi bán các sản phẩm do các phi công, tiếp viên đưa từ nước ngoài đưa về. Ngày nay, địa điểm này trở thành nơi tập hàng hóa của dân buôn hàng xách tay qua đường hàng không với hàng ngàn lượt khách/ngày.
Hàng quán mở cửa nhưng khách thưa vắng
Trước dịch COVID-19, vào giờ cao điểm, khách rất vất vả mới có được một chỗ gửi xe vào mua sắm mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sữa đến đồ gia dụng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ hay Thái Lan. Đầu tháng 3, Hà Nội xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, phố Nguyễn Sơn đã thưa vắng dần. Tuy nhiên, từ ngày 12/3, khi có một tiếp viên hàng không làm việc trên phố Nguyễn Sơn bị dương tính với COVID-19, khiến người ta càng ngại đến con phố này. Lúc đó, hàng ngày, phi công, tiếp viên sau các chuyến bay quốc tế vẫn qua lại con đường này khiến người ta sợ khi đến đây.
Bà Hương – một chủ cửa hàng trong ngõ 158 này cho hay, hiện nay, dù đã hết cách ly xã hội nhưng mỗi ngày, cửa hàng của bà đón không nổi chục khách. Gần 5 năm chuyển đến đây làm ăn, bà Hương chưa bao giờ thấy con phố lại vắng vẻ đến thế. “Kinh doanh hàng xách tay lãi cao, nhưng không bán được thì lỗ vốn cũng không ít. Mỹ phẩm nếu ế ẩm sẽ hết hạn sử dụng, quần áo qua mùa, sang năm không còn hợp thời. Hơn 20 ngày nghỉ bán, cửa hàng không thu được một đồng nào, nhưng chi phí thuê mặt bằng vẫn phải trả. Tôi giờ gần như sắp phá sản” – bà Hương than thở.
Mỗi ngày quán bà Hương đón không quá 10 khách hàng
Hiện nay, các tiểu thương bán hàng xách tay chủ yếu bán hàng tồn. Nguồn hàng mới cũng hạn chế vì các chuyến bay quốc tế chưa hoạt động bình thường trở lại. Đi sâu vào ngõ 158, không gian càng ảm đạm, vắng khách, nhiều hàng quán vẫn cửa đóng, then cài. Một số cửa hàng, siêu thị mini, mặt bằng lên tới hàng trăm mét vuông, thường ngày có hàng trăm khách hàng, giờ đang treo biển sang nhượng.
Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, nhưng con phố Nguyễn Sơn vẫn vắng vẻ, kinh doanh chưa khởi sắc. Không có khách vãng lai, mỗi ngày hàng trà đá của ông Thanh nằm ở cuối con ngõ 158 chỉ bán được hơn chục cốc, chủ yếu cho cho cánh xe ôm. Năm 2015, vợ chồng ông Thanh từ Thái Bình lên Hà Nội. Tuổi già, không thể làm những công việc nặng, ông bà quyết đinh mở quán nước vỉa hè kiếm sống qua ngày. Trước đông khách, hai vợ chồng già gần 70 tuổi chi tiêu và tích cóp được một phần. Lao động phổ thông ráo mồ hôi là hết tiền, vợ ông Thanh lại mắc căn bệnh viêm phế quản mãn tính, gần 1 tháng giãn cách xã hội, vợ chồng lấy tiền tích cóp ra tiêu. “Tiền thuê nhà, chi tiêu hàng ngày hơn 1 tháng qua đều dùng vào tiền tích cóp. Già rồi, ốm đau liên miên nên vợ chồng tôi phải cố gắng để dành dụm lại”, ông Thanh nói thêm.
Anh Hùng, chủ quán cà phê cuối ngõ 158 đang cùng nhân viên kê lại bàn ghế, chuẩn bị mở bán. Cuối năm ngoái, nghĩ rằng có thể phất lên bằng việc bán đồ uống cho khách đến mua hàng xách tay, tiếp viên, phi công…, anh thuê mặt bằng 40 triệu đồng một tháng và đầu tư vào cửa hàng 500 triệu đồng. Vận may không tới, khách thưa vắng vì rơi vào con phố nguy cơ dịch cao, rồi phải đóng luôn cửa hàng theo chỉ thị giãn cách xã hội.
“Bao nhiêu vốn liếng tích cóp tôi đầu tư hết vào quán, mới mở bán được 2 tháng đã phải tạm dừng. Nếu kéo dài thêm một vài tuần thì chắc phải đóng hẳn”, anh Hùng nói. Hiện nay, để kéo khách đến quán nhanh nhất, ngoài chất lượng đồ uống, anh Hùng quyết định tổ chức những đêm nhạc, lớp học đàn miễn phí.
“Doanh thu chắc chắn chưa thể được như trước, nhưng mình cũng sẽ bắt tay tái hoạt động trở lại, phục vụ khách và duy trì hình ảnh tốt nhất cho quán”, anh Hùng trải lòng.