Hệ tri thức Việt số hóa: Hướng tới một hạ tầng số

Hệ tri thức Việt số hóa: Hướng tới một hạ tầng số
Những chấm đỏ, vàng, xanh… chi chít trên nền bản đồ số của tỉnh Phú Yên tại địa chỉ https://vmap.vn truyền niềm tin mạnh mẽ đến những thành viên trong Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa - một ngày cuối năm 2018 tại Văn phòng Chính phủ. Mong ước hàng triệu chấm địa chỉ của từng ngôi nhà ở mỗi ngõ, ngách trên khắp Việt Nam được đưa lên bản đồ thông minh đã có cơ sở thành hiện thực.

Đề án của những sáng kiến

Đúng 10h10 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (Đề án) được khởi động. Sau sự kiện mang tính truyền cảm hứng cho đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp…, trong suốt năm 2018, thông tin về đề án này gần như vắng bóng trên truyền thông.

Trái với sự lặng lẽ trên truyền thông, Ban điều hành Đề án hằng tuần tích cực làm việc: các cuộc họp của Ban điều hành Đề án nhằm phát triển mô thức kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp; các cuộc làm việc với đại diện các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu; các khảo sát nguồn dữ liệu lớn đang còn ngủ yên đâu đó… diễn ra hằng tuần. Và mỗi hai tuần, Ban điều hành Đề án được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành một buổi nghe báo cáo công việc, đề xuất các sáng kiến. “Mỗi cuộc họp, tôi muốn nghe một sáng kiến mới để làm được một việc, dù nhỏ” – Phó Thủ tướng thường nhắc câu này với nhóm điều hành ở các buổi làm việc.

Với tinh thần vào cuộc chủ động, nhiều sáng kiến đã được nêu ra trao đổi, thảo luận và hình thành các dự án trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch, y tế… với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu.

Người Việt làm bản đồ cho Việt Nam

Trong rất nhiều dự án thuộc Đề án, dự án xây dựng Bản đồ số Việt Nam thuộc nhóm phức tạp nhất bởi tính hạ tầng số của nó. Hai tuần sau khi sáng kiến làm Bản đồ số Việt Nam được đưa ra thảo luận, Dự án đã được hình thành và triển khai ngay lập tức.

Khẳng định này thực không dễ bởi ai cũng hiểu tính phức tạp về công nghệ, lượng dữ liệu đồ sộ mà một bản đồ số cần và độ khó của việc vận hành một dự án quy mô lớn trong một đề án… không có tiền ngân sách.

Đề án không có ô tiền ngân sách nhưng không có nghĩa là các dự án không có tiền để triển khai, gợi ý này của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được Ban điều hành vận dụng sáng tạo. Một mô thức mới để triển khai dự án Bản đồ số Việt Nam đã được thiết lập.

Một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội với nhiều năm nghiên cứu về bản đồ số đã được huy động. Nhóm này được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ cho Việt Bản đồ số từ nền tảng OpenStreetMap (nền tảng công nghệ bản đồ nguồn mở đang được sử dụng phổ biến tại Nga và Trung Quốc). Bộ Khoa học và Công nghệ cũng là đơn vị đầu mối thu thập dữ liệu bản đồ từ các nguồn dữ liệu nhà nước sẵn có: Cục Bản đồ (Bộ Tài Nguyên môi trường), dữ liệu địa chỉ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xung phong nhận làm “mạnh thường quân” cho dự án: tài trợ hạ tầng, huy động hàng chục nghìn bưu tá cùng tham gia cấp dữ liệu cho nền bản đồ số, tập huấn việc thu thập dữ liệu cho các địa phương. Tỉnh Phú Yên được chọn thí điểm xây dựng mô thức mẫu, huy động 300 đoàn viên của Tỉnh đoàn, cầm điện thoại thông minh đi khắp các ngõ phố, lối xóm trên toàn tỉnh.

Với mô thức này, chỉ trong vòng một tháng, bản đồ số của Tỉnh Phú Yên đã trở thành bản đồ có lượng dữ liệu lớn nhất trong tất cả các bản đồ số về địa phương này. Sau Phú Yên, bản đồ số Việt Nam đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Tính đến nay, đã thu thập được 23,4 triệu địa chỉ, chiếm tới 95% tổng số địa chỉ trên cả nước. Ngày 01/10/2019 vừa qua, hệ thống Bản đồ số Việt Nam đã chính thức ra mắt  tại địa chỉ https://vmap.vn

Bản đồ số là nền tảng dữ liệu cơ bản nhất của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực. Dữ liệu bản đồ càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với những ứng dụng liên quan đến tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc. “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” là nền tảng bản đồ của người Việt, là cơ sở để các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch… Thông qua Bản đồ số Việt Nam, người dùng cũng có thể dễ dàng tìm và được chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã. Các địa chỉ thu thập được đã được xử lý và đưa vào hệ thống bản đồ. Hiện nay Dự án đang triển khai xây dựng app bản đồ và tối ưu hóa các chức năng của bản đồ trước khi đưa ra công chúng để khai thác, sử dụng.

Thông tin thêm về các dự án thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hóa

Bên cạnh dự án Bản đồ số Việt Nam, một loạt dự án mang tính hạ tầng số, có tính ứng dụng thiết thực trong cuộc sống như Dự án Tiếng nói Việt Nam với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên cùng với sự hợp tác về dữ liệu của hai “ông lớn” Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Các dự án phát triển các ứng dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp… cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm, sẵn sàng phục vụ người dân trong năm 2019.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.