276.000 tỷ đồng đã được gửi theo phương thức điện tử
Ông Lưu Hoàng- Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, hệ thống quản lý ngân quỹ được KBNN xây dựng để thực hiện gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) theo phương thức điện tử. Để thực hiện thành công, KBNN đã phối hợp với NHTM sửa đổi, bổ sung hợp đồng khung về các nội dung liên quan đến việc thực hiện quy trình gửi tiền có kỳ hạn qua hệ thống quản lý ngân quỹ và phụ lục hợp đồng điện tử.
Các NHTM cũng chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết (bao gồm chứng thư số của NHTM, chứng thư số của người có thẩm quyền ký bản chào nhận tiền gửi, người được ủy quyền ký phụ lục hợp đồng điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp…).
Hệ thống quản lý ngân quỹ chính thức được vận hành vào ngày 1/12/2020. Từ đó đến nay, KBNN đã chào gửi tiền qua hệ thống 94 đợt với tổng số tiền gửi đạt gần 276.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Hoàng cho biết, hệ thống quản lý ngân quỹ tự động thực hiện việc tính toán, chấm điểm đánh giá, kết xuất danh sách các NHTM dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; đồng thời, tự động xác định kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn (gồm khối lượng, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn tại từng NHTM, trên cơ sở các bản chào nhận tiền gửi của các NHTM, lãi suất gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tối thiểu cho từng kỳ hạn) nên đã bảo đảm tính khách quan, minh bạch, chính xác do hạn chế tối đa sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện đánh giá, lựa chọn NHTM.
Đặc biệt, tính bảo mật được đảm bảo trong suốt quá trình chào, nhận bản chào, mở bản chào do Hệ thống quản lý ngân quỹ được thiết kế, xây dựng để không thể có bất cứ sự can thiệp của con người vào việc mã hóa bản chào, hay xem được bản chào trước giờ mở.
Theo ông Hoàng, việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua Hệ thống quản lý ngân quỹ còn giúp KBNN quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ kiểm soát rủi ro như: tách bạch rõ người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn các giao dịch vượt hạn mức đã được phê duyệt; chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi tại NHTM.
Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình, thủ tục gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, đặc biệt là việc KBNN triển khai ký phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử với các NHTM đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN giảm thiểu các thao tác thủ công cũng như tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.
Các NHTM được nhận quyền lợi như nhau
Lý giải thêm, ông Lưu Hoàng cho biết, theo quy định tại Thông tư số 64//2019/TT- BTC, tất cả các NHTM được lựa chọn vào danh sách dự kiến gửi tiền có kỳ hạn của KBNN sẽ được tham gia vào Hệ thống quản lý ngân quỹ với vai trò như nhau. Tất cả các bản chào nhận tiền gửi của NHTM được ký duyệt bằng chữ ký số và được mã hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật. Do đó, hệ thống quản lý ngân quỹ đã mang lại cho các NHTM sự bình đẳng trong việc tham gia nhận nguồn tiền NQNN tạm thời nhàn rỗi mà KBNN chào gửi.
Đặc biệt, tham gia vào hệ thống quản lý ngân quỹ, các NHTM đã tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy. Đồng thời, hệ thống quản lý ngân quỹ cũng cung cấp tiện ích cho người sử dụng của NHTM như gửi email thông báo đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng, hiển thị các thông báo “nhắc việc” ngay trên trang chủ của Hệ thống.
Với hệ thống công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Vietcombank được hệ thống quản lý ngân quỹ chọn để nhận tiền gửi từ KBNN.
Theo đại diện của Vietcombank, tham gia hệ thống quản lý ngân quỹ đã giúp đơn vị áp dụng công nghệ vào quá trình tác nghiệp, giảm thiểu các thao tác thủ công và tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại. Đặc biệt, hệ thống quản lý ngân quỹ đã minh bạch, giảm thiểu các thủ tục thực hiện trong giao dịch nên đã giúp giảm thiểu rủi ro trong tác nghiệp cho cán bộ ngân hàng, đồng thời nâng cao công tác quản trị nguồn vốn, góp phần chủ động trong hoạt động huy động vốn của NHTM.
Theo thông tin từ Viecombank, số dư tiền gửi của KBNN tại đơn vị ở thời điểm cuối năm 2020 là 35.400 tỷ đồng và thời điểm hiện tại là 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Vietcombank, hiện một số nghiệp vụ như tất toán vẫn chưa được thực hiện tự động hoàn toàn nên vẫn phải thực hiện thủ công. Do đó, Vietcombank đang đề xuất KBNN tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính ổn định của hệ thống cũng như mở rộng việc điện tử hóa cho nhiều nghiệp vụ giữa KBNN và Vietcombank.
Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ KBNN cho biết, hệ thống quản lý ngân quỹ đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng CNTT vào quá trình quản lý, thực hiện các giao dịch quản lý ngân quỹ (từ bước gửi thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn, mở bán chào nhận tiền gửi, xác định kết quả đợt chào đến việc ký kết hợp đồng, lưu trữ, quản lý thông tin giao dịch). Đây sẽ là bước khởi đầu để KBNN hướng tới Kho bạc số trong tương lai.