Hệ thống Kho bạc Nhà nước: Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, quản lý n

Hệ thống Kho bạc Nhà nước: Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, quản lý n
Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 có nhiều gam màu tươi sáng với việc cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Kết quả tích cực đó có sự đóng góp của ngành Tài chính, trong đó có hệ thống KBNN với kết quả khả quan về quản lý thu, chi NSNN, điều hành ngân quỹ, huy động vốn cho đầu tư phát triển… Năm 2019, hệ thống KBNN tiếp tục thực hiện cải cách, hiện đại hóa để hoàn thành mục tiêu xây dựng kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Năm 2018, kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định; tăng trưởng kinh tế cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; lạm phát được kiểm soát; thu NSNN vượt dự toán và cơ cấu thu bền vững hơn; chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Thực hiện mục tiêu và các giải pháp điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong năm 2018, công chức, viên chức hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác trọng tâm được giao theo chương trình kế hoạch đã đề ra.

KBNN đã chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án, chính sách thuộc kế hoạch công tác. Đã hoàn thành dứt điểm 14 đề án, chính sách; 10 đề án, chính sách đang triển khai theo đúng tiến độ; 11 đề án, chính sách tiếp tục nghiên cứu, triển khai trong năm 2019. Trong đó, có những đề án, chính sách lớn, trọng tâm của hệ thống KBNN khi triển khai thực hiện sẽ tạo cơ sở và tiền đề cho bước đột phá về cải cách và đổi mới như: (i) Hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN; (ii) Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN; (iii) Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; (iv) Hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quản lý ngân quỹ theo quy định pháp luật; (v) Báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính phương án tổ chức KBNN cấp huyện theo khu vực và kiện toàn sắp xếp các phòng thuộc KBNN cấp tỉnh theo hướng cải cách hành chính, giảm đầu mối trung gian, giảm đơn vị làm công tác nội vụ, tăng cường vai trò trách nhiệm của cá nhân để hệ thống KBNN triển khai thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo...

Hệ thống KBNN luôn đảm bảo giữ vững an ninh, an toàn tiền, tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin KBNN. Với mục tiêu tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu NSNN, hệ thống KBNN tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại 05 NHTM nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MB). KBNN các tỉnh đã thực hiện thông báo và cập nhật danh sách các tài khoản đến cơ quan thu và NHTM nơi mở tài khoản; truyên truyền và đặt biển báo, chỉ dẫn về địa điểm đặt POS tại trụ sở các đơn vị KBNN. Các giải pháp nêu trên đã góp phần tập trung nhanh nguồn thu, thanh toán chi trả kịp thời cho NSNN, hỗ trợ người nộp thuế, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng thu cân đối NSNN là 1.420.000 tỷ đạt 107,68% so với dự toán được giao. Tổng thu của cân đối ngân sách trung ương là 786.000 tỷ, đạt 104,39% so với dự toán.

Bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018, KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao. Tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, đặc biệt là về thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư, thực hiện kiểm soát hồ sơ ngay khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến theo quy định; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ kiểm soát chi, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương thức “thanh toán trước, kiểm soát chi sau” cho cho hợp đồng thanh toán nhiều lần (trừ lần thanh toán cuối cùng), theo đó đã rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn 01 ngày làm việc.

Tính đến ngày 31/12/2018, lũy kế chi thường xuyên NSNN 857.677 tỷ đạt 87,83% so với dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 12.225 khoản chi chưa đủ thủ tục, số tiền thực từ chối thanh toán là 35,8 tỷ đồng. Đối với chi đầu tư, lũy kế vốn giải ngân thuộc kế hoạch năm 2018 qua NSNN tính đến ngày 31/12/2018 là 276,646 tỷ đồng đạt 69.3%  kế hoạch, số giải ngân cao hơn về số tuyệt đối nhưng thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm ngoái (số giải ngân ngày 31/12/2017 là 262.102,1 tỷ đồng, đạt 72,6%). Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN từ chối ước đạt  58,3 tỷ đồng, số tiền từ chối này là do chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định.

Về công tác điều hành ngân quỹ và huy động vốn, bám sát tình hình thu, chi NSNN, KBNN đã kịp thời tham mưu trình Bộ Tài chính các giải pháp điều hành NQNN phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm, đảm bảo việc quản lý, điều hành NQNN an toàn, hiệu quả, gắn kết giữa quản lý NQNN và quản lý nợ. Tăng cường công tác phối hợp với NHNN để hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, qua đó đã giúp NHNN bổ sung dự trữ ngoại hối trong khi vẫn ổn định được thanh khoản thị trường, kiềm chế lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đồng thời, tiết kiệm được chi phí khi thực hiện giải pháp phát hành tín phiếu.

Để đạt mục tiêu huy động vốn cho cân đối NSNN và phát triển thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất chung, KBNN đã tham mưu cho Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP; đồng thời, sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSTW vay để giảm áp lực huy động từ thị trường, ổn định lãi suất. Với biện pháp điều hành linh hoạt nêu trên, tính đến ngày 31/12/2018, KBNN đã huy động được 196.797 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân cả năm là 12,69 năm (năm 2017: 12,71 năm); lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2018 ở mức 4,71%/năm (năm 2017: 5,98%/năm); kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP đến 31/12/2018 là 6,83 năm, (năm 2017: 6,71 năm), tiếp tục kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục nợ, giảm áp lực trả nợ cho NSNN trong ngắn hạn.

So sánh lãi suất năm 2018 với năm 2017 trên tổng khối lượng vốn huy động được qua kênh phát hành TPCP năm 2018 thì KBNN đã tiết kiệm được khoảng 2.500 tỷ đồng cho chi phí lãi vay của NSNN cho mỗi năm tiếp theo. Đồng thời, thông qua sử dụng ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cho NSTW vay để thay thế cho phát hành TPCP trong năm 2018 đã tiết kiệm khoảng 1.755 tỷ đồng chi phí trả lãi từ NSNN.

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 01/06/2018, hệ thống KBNN đã hoàn thành việc giải thể 43 phòng Giao dịch, đảm bảo mọi công việc giao dịch của 43 KBNN cấp tỉnh giải thể phòng Giao dịch hoạt động thông suốt, không xảy ra ách tắc; các đơn vị tiếp tục duy trì sự đoàn kết, ổn định.

Đối với hệ thống KBNN, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong năm 2019 đặt ra còn rất nặng nề. Bên cạnh việc đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị thường xuyên, KBNN cần phải tiếp tục tập trung cao độ cho triển khai thực hiện Kế hoạch và Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, đặc biệt là các đề án, chính sách lớn, trọng tâm của hệ thống KBNN. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019 và các năm tiếp theo, cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tập trung trí tuệ và nguồn lực, cùng với các đơn vị trong ngành Tài chính đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các đề án, cơ chế, chính sách theo đúng chương trình, kế hoạch công tác đề ra trong năm 2019. Trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN trong quý II/2019; hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quản lý NQNN theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công; hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính nhà nước từ năm 2019. Đồng thời, để tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển của hệ thống KBNN trong giai đoạn tới, thực hiện tiến hành đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và nghiên cứu, đề xuất định hướng cho Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

Hai là, tổ chức quản lý Quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và tập trung nhanh, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công năm 2019 để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ở mức cao nhất.

Ba là, phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2019 do Bộ Tài chính giao. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu; tập trung phát hành các loại trái phiếu dài hạn từ 5 năm trở lên đảm bảo thực hiện mục tiêu kéo dài kỳ hạn TPCP trong nước theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Bốn là, tổ chức công tác kế toán, thanh toán đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; đảm bảo công tác thanh toán với các ngân hàng và trong nội bộ hệ thống KBNN thông suốt, an toàn, chính xác; hoàn thành việc tổng hợp, xây dựng báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đúng thời gian quy định. Triển khai các công việc để lập Báo cáo tài chính nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Năm là, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ; chấp hành nội quy cơ quan, quy chế quản lý nội bộ nhằm duy trì và giữ vững an ninh trật tự an toàn cơ quan, trật tự nội vụ của từng đơn vị KBNN trong toàn hệ thống. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu.

Sáu là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN, kiểm soát thủ tục hành chính. Phấn đấu 100% các thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2019, đồng thời phấn đấu  đến hết ngày 31/12/2019, 100% các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tham gia dịch vụ công mức 4. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thống nhất quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN. Triển khai trên phạm vi toàn quốc Chương trình thông báo biến động số dư tài khoản cho các đơn vị sử dụng NSNN; thực hiện lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị KBNN trong hệ thống.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN như: Nghiên cứu xây dựng kiến trúc các hệ thống CNTT của KBNN theo hướng hình thành kho bạc điện tử và kho bạc số; xây dựng và triển khai hệ thống tổng kế toán nhà nước; nâng cấp ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN; nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN; nâng cấp chương trình báo cáo nhanh số liệu thu, chi NSNN và huy động vốn hàng ngày.

Tám là, thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy KBNN các cấp; đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức trong diện quy hoạch và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo nhằm bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho công chức. Xây dựng Đề án tổng thể về đào tạo công chức hệ thống KBNN để phục vụ việc nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030.

Chín là, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và XDCB nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao.

Mười là, nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chủ động phòng ngừa rủi ro trong hoạt động của KBNN; tăng cường phúc tra, xử lý, khắc phục và chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra. Tiếp tục bổ sung lực lượng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra./.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.