Tuy vậy, bằng sự quyết tâm cao, nỗ lực cố gắng, vượt lên trên khó khăn thách thức, hệ thống KBNN vững vàng cùng toàn ngành Tài chính thực hiện hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bám sát chủ trương, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020 của Chính phủ, Chương trình công tác của Bộ Tài chính và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.Trên cơ sở kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của hệ thốngKBNN, phát huy truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể công chức trong toàn hệ thống, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, chính quyền các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn 6 tháng đầu năm 2020, góp phần quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19; thực hiện hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số kết quả trọng tâm đạt được:
Cụ thể hóa các văn bản chính sách
Về lĩnh vực cải cách quản lý quỹ NSNN: đã trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Đồng thời, KBNN xây dựng và đã trình Bộ ban hành một số Thông tư gồm: Thông tư số 18/2020/TT-BTC hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN, Thông tư số 19/2020/TT-BTC bổ sung, sửa đổi một số điều của Thông tư số 77/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN; Thông tư 62/2020/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN.
Bên cạnh đó, KBNN đã hoàn thiện quy trình kiểm soát chi NSNN đối với mô hình KBNN cấp tỉnh, nâng cấp hệ thống DVCTT và các chương trình ứng dụng liên quan đáp ứng quy trình kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 11/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ; tổ chức triển khai thí điểm và tập huấn trên phạm vi toàn quốc trong tháng 6/2020, triển khai chính thức từ ngày 01/7/2020.
Một kết quả quan trọng khác của hệ thống KBNN trong 6 tháng đầu năm 2020 phải kể đến là việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một cách có hiệu quả, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch Covid 19. Theo đó, Hệ thống KBNN tích cực triển khai DVCTT, đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tích hợp 4/11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ cuối tháng 4/2020, đạt 100% kế hoạch năm. Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng số đơn vị sử dụng ngân sách đã đăng ký tham gia DVCTT là 84.628 trên tổng số 92.456 đơn vị, đạt tỷ lệ 91,5%; lượng chứng từ chi NSNN qua DVCTT chiếm trên 60% so với lượng chứng từ chi NSNN qua hệ thống TABMIS.
Lĩnh vực cải cách quản lý ngân quỹ và huy động vốn: Đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BTC quy định về vay, tạm ứng NQNN cho NSNN; hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng Thông tưhướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ của KBNN. Bên cạnh đó, nhằm quản lý NQNN theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả, chủ động, KBNN đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành 02 quy trình về gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM theo phương thức điện tử và dự báo luồng tiền.
Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo Tài chính Nhà nước: Đối với Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018: đã trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9 với tỷ lệ 93,17% Đại biểu Quốc hội tán thành; đối với Báo cáo Tài chính Nhà nước (BCTCNN): Đã hoàn thành việc tổng hợp, lập BCTCNN toàn quốc năm 2018, trình Bộ, trình Chính phủ, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV.
Do đây là năm đầu tiên KBNN lập BCTCNN nên còn gặp không ít những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, KBNN sẽ đánh giá kết quả triển khai công tác lập BCTCNN năm 2018 để tiếp tục hoàn thiện đầy đủ các điều kiện từ hệ thống thông tin Tổng Kế toán nhà nước,ban hành văn bản hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập BCTCNN tại các địa phương.
Cải cách công tác quản lý thu; kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, kịp thời
Trong 6 tháng đầu năm 2020, KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách các cấp.
KBNN tiếp tục cải cách công tác thu NSNN; phối hợp với cơ quan thuế xây dựng mã định danh khoản thu; phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm dịch vụ thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tiếp tục mở rộng công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt tại 04 NHTM cổ phần (gồm Techcombank, SHB, SeAbank, VPbank), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Tính đến hết ngày 30/6/2020, thu NSNN đạt 668.674 tỷ đồng, bằng 44,22% so với dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 557.628 tỷ đồng, bằng 44,11% so với dự toán; thu từ dầu thô đạt 20.997 tỷ đồng, bằng 59,65% so với dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 89.743 tỷ đồng, bằng 43,15% so với dự toán (bao gồm dự toán hoàn thuế GTGT).
Bên cạnh việc thực hiện cải cách hiện đại hóa công tác thu, KBNN đã thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định; đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách như: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên như: chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài... trong điều kiện thực hiện các giải pháp nhằm phòng, chống Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; Ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với chi thường xuyên: Tính đến hết ngày 30/6/2020, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát khoảng 455.896 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán (đã bao gồm các khoản chi hỗ trợ Covid-19 theo quyết định của cấp có thẩm quyền; không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 10.306 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 10,3 tỷ đồng.
Đối với chi đầu tư: Lũy kế vốn đầu tư giải ngân đến ngày 30/6/2020 thuộc kế hoạch năm 2020 là 155.938,15 tỷ đồng, đạt 33,1% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (471.972,347 tỷ đồng), đạt 30,2% kế hoạch vốn KBNN nhận được (515.988,475 tỷ đồng bao gồm kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch vốn địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) trong đó: Vốn trong nước là 149.652,86 tỷ đồng, bằng 32,8% kế hoạch; vốn ngoài nước là 6.285,29 tỷ đồng, bằng 10,5% kế hoạch. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối 15,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, KBNN tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước. Công tác tổng hợp, lập báo cáo nhanh, báo cáo định kỳ và báo cáo hàng ngày phục vụ điều hành NSNN của Lãnh đạo Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan được duy trì có nề nếp, chất lượng và kịp thời. Hệ thống thanh toán nội bộ trong hệ thống và thanh toán với các ngân hàng đảm bảo thông suốt, kịp thời và an toàn. KBNN tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện chương trình Thanh toán song phương điện tử để đáp ứng mô hình tài khoản tập trung của KBNN.
Điều hành Ngân quỹ Nhà nước an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả
KBNN đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai phương án điều hành NQNN theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả; đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN bằng VNĐ và ngoại tệ; đồng thời, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thu, chi NSNN để điều chỉnh dự báo NQNN cho sát, phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các NHTM, tạm ứng NQNN cho các địa phương để bù đắp thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách địa phương. Trên cơ sở kết quả hoạt động quản lý NQNN, 6 tháng đầu năm 2020 KBNN đã thực hiện nộp 1.000 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ vào NSTW.
Do tác động của dịch Covid-19, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và thế giới liên tục biến động, tác động trực tiếp đến công tác phát hành TPCP của KBNN. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2020, đồng thời, giữ lãi suất TPCP không biến động tăng mạnh và ổn định thị trường, KBNN đã chủ động phối hợp và đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi tích cực tham gia đấu thầu TPCP. Nhờ đó, lãi suất phát hành TPCP không bị tăng đột biến, từng bước bám sát lãi suất giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp và KBNN tăng dần khối lượng vốn huy động đáp ứng nhu cầu chi của NSNN.
Tính đến ngày 30/6/2020, KBNN đã huy động được 96.127 tỷ đồng đặt 31,1% kế hoạch năm; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 14,01năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,99%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 7,67 năm.
Chung tay góp phần phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Để tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, KBNN đã trình Bộ cho phép dừng, không tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày tái thành lập hệ thống KBNN. Thay vào đó là phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống; thực hiện gửi thư cảm ơn đến các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tại trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và thư tri ân đến các thế hệ Lãnh đạo, công chức hệ thống KBNN vào dịp 01/4/2020; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về lịch sử và truyền thống của KBNN, cũng như các mặt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ KBNN tại trung ương và địa phương.
Đặc biệt, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Tài chính, KBNN đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện đầy đủ, khẩn trương và nghiêm túc công tác phòng chống, dịch Covid-19: Chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trong hệ thống KBNN; ban hành nhiều văn bản về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các cán bộ, công chức thuộc các đơn vị.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin, bố trí số lượng công chức phù hợp làm việc tại nhà qua môi trường mạng internet đảm bảo hoạt động thông suốt của toàn hệ thống. Đẩy mạnh giao dịch với khách hàng qua DVCTT, ưu tiên giải ngân nhanh, kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, KBNN đã phát động phong trào toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống thực hiện quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tối thiểu 01 ngày lương; kết quả hệ thống KBNN đã ủng hộ và chuyển đếnỦy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KBNN cũng đã tổ chức vận động cán bộ, công chức trong toàn hệ thống phát huy truyền thống, tiếp tục tham gia đăng ký tình nguyện hiến máu cứu người.
Tóm lại, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn hệ thống KBNN đã đoàn kết, đồng lòng nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đóng góp quan trọng cùng ngành Tài chính thực hiện có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.