Ngày 3/8, China North Industries Corporation (Norinco), China Mobile, China Electronics Technology Group Corp và các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc cùng nhau ra mắt một con chip có thể cho phép người dùng điện thoại thông minh ở vùng sâu vùng xa gửi và nhận tin nhắn thông qua hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của nước này.
Việc tích hợp con chip sẽ giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc sử dụng các vệ tinh và cơ sở viễn thông của mình để cải thiện hiệu suất của hệ thống Bắc Đẩu, Yang Changfeng, kiến trúc sư trưởng của hệ thống và là viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết.
Chip định vị chính xác cao Bắc Đẩu, thiết kế dựa trên tiến trình 22 nm, ra mắt tháng 9/2020 và được sản xuất hàng loạt từ năm ngoái. Con chip này đủ nhỏ để lắp vào điện thoại thông minh, cũng có thể nhận tín hiệu từ các hệ thống GPS của Mỹ, Glonass của Nga và Galileo của EU.
Ngày 3/8, Văn phòng Điều hướng Vệ tinh Trung Quốc công bố 35 giấy phép sử dụng thương mại Dịch vụ Vệ tinh dẫn đường (RNSS) của Bắc Đẩu. Văn phòng cho biết, hệ thống Bắc Đẩu có thể được sử dụng trong các lĩnh vực viễn thông, điện lực, phòng chống thiên tai, an toàn công cộng, giao thông, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giám sát thủy văn, quan sát khí tượng, quân sự (tấn công tầm xa)… Hệ thống này cũng có thể được áp dụng cùng với Internet Vạn vật, trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn.
Hiện có 45 vệ tinh Bắc Đẩu đang hoạt động trên quỹ đạo, mang lại độ chính xác trong phạm vi 3-5 mét trên toàn cầu và trong vòng 1-3 mét ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mô hình hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tăng cường ứng dụng quân sự
Bắc Kinh nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình sau khi chứng kiến hiệu quả từ Hệ thống Định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Năm 1995, nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy có bài phát biểu về kinh nghiệm dân chủ hóa của Đài Loan (Trung Quốc) tại Đại học Cornell ở Mỹ. Để trả đũa, Quân đội Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển Đài Loan của nước này vào tháng 7/1995 và một tên lửa nữa vào tháng 3/1996.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó thừa nhận rằng chỉ có tên lửa đầu tiên bắn trúng mục tiêu. Theo họ, Mỹ có thể đã tắt GPS mà Trung Quốc đang sử dụng vào thời điểm đó. Vụ việc đã thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh việc phát triển hệ thống Bắc Đẩu.
Ngày 31/7/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo, việc thiết lập hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ ba đã hoàn thành. Ngày 31/7 năm nay, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) chính thức ra mắt các dịch vụ định vị vệ tinh toàn cầu của Bắc Đẩu.
Trong một bài báo năm 2018, quân đội Trung Quốc đã sử dụng đồng hồ thông minh Bắc Đẩu, có thể theo dõi vị trí và tình trạng sức khỏe của binh lính, đồng thời cho phép họ kêu gọi trợ giúp và báo cáo các tình huống trực tiếp. Để giấu vị trí của họ, binh lính có thể phá hủy chiếc đồng hồ bằng cách nhấn nút một lần chạm.
Theo một bài báo khác, hệ thống Bắc Đẩu có thể được sử dụng để dẫn đường cho bom lướt LeiShi-6 (LS-6) Thunder Stone, loại bom không cần cảm biến và máy ảnh đắt tiền. Hệ thống này có thể được sử dụng như một công cụ bổ sung để dẫn đường cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc, như DF-41, mặc dù tốc độ cực cao loại tên lửa này thể làm giảm độ chính xác của hệ thống định vị.
Zhu Jiangming, một nhà báo chuyên mục quân sự, nhận định, một số tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, bao gồm cả DF-21, phải giảm tốc độ của chúng xuống dưới 10 lần tốc độ âm thanh để hệ thống Bắc Đẩu có thể dẫn đường.
Tương quan giữa hệ thống Bắc Đẩu với các hệ thống tương tự của Mỹ, Nga và EU. Ảnh: Getty Images. |