Bế tắc việc thi hành án
Dư luận đang xôn xao việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) mới thành lập vào tháng 5/2021 với số vốn điều lệ là trên 500.000 tỷ đồng tại TPHCM. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, cũng chính cá nhân góp 499.998 tỷ đồng, chiếm 99,99% cổ phần.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM. |
Chưa kể, ông Quốc Anh còn góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn Cầu. Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp nói trên của ông Quốc Anh lên đến 500.076 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Quốc Anh lại ở nhà cấp 4, đi thuê văn phòng với giá 1,2 triệu đồng/tháng để làm việc.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM nói rằng, thương trường sẽ không tránh khỏi việc các bên tranh chấp nhau tại tòa án hay cơ quan trọng tài, nhằm bảo vệ lợi hợp pháp của mình trong các giao dịch. Một thời gian dài phải theo đuổi vụ án tốn không ít tiền của, thời gian và công sức. Đến khi có được bản án trong tay (khi được cơ quan giải quyết tranh chấp xử phần thắng) đã ít nhất mang lại cho họ niềm tin về lẽ công bằng khi quyền lợi của mình đã được bảo vệ.
Thế nhưng, đâu ai thấu hiểu được rằng, không ít các bản án phải được thi hành trên chỉ là những tờ giấy trên lý thuyết. Bởi việc thi hành án là cả một câu chuyện dài tập không kém câu chuyện khởi kiện. Có khi nó còn đi vào sự bế tắc vì người phải thi hành án là các doanh nghiệp không có tài sản để thi hành.
Nói như vậy, không có nghĩa là đổ lỗi cho tất cả các vụ án phá sản hay đang ở giai đoạn thi hành án bị bế tắc đều xuất phát từ việc đăng ký vốn ảo. Thế nhưng việc đăng ký vốn ảo nó là yếu tố chiếm khá lớn số trong sự bế tắc này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thì khi xác minh điều kiện thi hành án, cơ quan thi hành án còn có thể tiến hành kê biên tài sản là nhà máy, trang thiết bị sản xuất. Nhưng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, dù số vốn điều lệ đăng ký lớn, nhưng có không ít các doanh nghiệp không có tài sản nào (địa điểm kinh doanh thì thuê, tài sản công ty mua được cũng chỉ có vài cái bàn, ghế và các vật dụng đơn giản).
“Bản thân tôi không chỉ là một luật sư mà còn là quản tài viên-người cùng với tòa án giải quyết các vụ phá sản. Tôi nhận thấy rằng các vụ việc phá sản đang diễn ra, cũng một phần là từ việc đăng ký vốn ảo. Các thành viên sáng lập không thực hiện việc góp đúng và đủ vốn dẫn đến năng lực tài chính của doanh nghiệp bị yếu. Một số doanh nghiệp hoạt động dựa vào nguồn vốn vay”, ông Phát cho biết.
Luật sư này nói thêm, đến một lúc việc kinh doanh không như mong đợi dẫn đến mất khả năng cân đối tài chính và bị các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản hoặc chính bản thân doanh nghiệp tự tuyên bố phá sản. Như vậy, thật sự có tác động rất lớn đến quyền lợi của các chủ nợ có thể là các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan. Trong khi trước đó, các đối tác khi xác lập mối quan hệ kinh doanh với nhau, ít có đơn vị nào đi thẩm định năng lực tài chính của nhau.
Phải tăng cường hậu kiểm
Phần lớn chỉ nhìn vào tên doanh nghiệp hoặc nguồn vốn điều lệ để làm niềm tin. Và nếu quản tài viên có yêu cầu các thành viên sáng lập phải góp đủ số vốn theo giấy chứng nhận, thì cũng không buộc họ làm được điều này. Vì một phần họ không đứng tên tài sản (nhà đất, xe, tài khoản ngân hàng), những tài sản này đôi khi được cam kết là tài sản của vợ/chồng họ trước đó hoặc do con cái họ đứng tên.
Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp lên đến 500.076 tỷ đồng nhưng ông Quốc Anh lại ở nhà cấp 4, đi thuê văn phòng với giá 1,2 triệu đồng/tháng để làm việc. |
“Tôi cho rằng bên cạnh quy định hiện tại là cho phép thành viên thành lập doanh nghiệp được tự quyết định số vốn đăng ký hoạt động để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chúng ta cần tăng cường công tác hậu kiểm và tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp đã không thực hiện đúng với luật định, tạo ra các doanh nghiệp có vốn ảo”, ông Phát kiến nghị.
Theo luật sư Phát, nếu chúng ta làm tốt điều này, sẽ giúp giải quyết được một số vấn đề như giảm các vụ việc phá sản được giải quyết ở cơ quan tòa án. Đảm bảo được việc thi hành án của các cơ quan thi hành án đối với các bản án có hiệu lực thi hành. Đảm bảo được sự công bằng đối với các nhà đầu tư làm ăn chân chính trong việc góp đủ vốn để hoạt động.
Và việc hậu kiểm này giúp cho nhà nước có được một nguồn thu ngân sách từ việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm. Nhằm thiết lập lại trật tự của cơ chế thị trường mà lâu nay chúng ta đang chú trọng xây dựng.
Không có một nhà nước nào mong muốn từ việc xử phạt các vi phạm để tạo nguồn thu ngân sách. Nhưng để đảm bảo được luật đã đi vào thực tiễn, thì buộc lòng việc xây dựng cơ chế quản lý, giám sát phải được đẩy mạnh và chú trọng.
Vấn đề này, thật sự không khó để thực hiện, khi chúng ta tạo ra cơ chế liên kết giữa cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và hệ thống ngân hàng.
"Đã đến lúc chúng ta cần một hành động rõ ràng và nhanh chóng, chúng ta không chạy theo việc báo cáo số lượng và chú tâm đi vào chất lượng của các doanh nghiệp được thành lập mới. Điều đó cũng góp phần nâng cao ý thức của các doanh nghiệp mới thành lập, để họ hiểu rằng họ cần phải thực tế hóa ý định kinh doanh, tất cả không chỉ là lý thuyết mà nó phải đi vào thực tế" ông Phát nói.