Theo đó, các mô hình mô phỏng khí hậu được các nhà khoa học thực hiện đã cho thấy rằng, việc co lại của biển Tethys (cách đây khoảng 11 triệu năm về trước) cùng với chuyển động địa chất theo chiều hướng nâng lên của bán đảo Ả Rập vào những mùa hè đã làm hiện tượng gió mùa yếu dần, đồng thời làm chuyển hướng độ ẩm từ Đại Tây Dương xuống phía nam, cuối cùng tạo nên sa mạc Sahara rộng lớn như ngày nay.
Cùng với đó, những mẫu cát mà các nhà khoa học thu thập được từ các đụn cát trầm tích phía bắc vùng đất Chad cho thấy, chúng đều có “tuổi đời” hơn 7 triệu năm. Thậm chí, nghiên cứu còn phát hiện rằng, quá trình khô hạn đã hình thành và phát triển kéo dài từ 8 triệu năm trước, trước khi tạo thành một vùng sa mạc rộng bậc nhất thế giới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tiến sĩ Zhongshi Zhang thuộc Trung tâm Bjerknes - Trung tâm nghiên cứu khí hậu tại Bergen, Na Uy - và các cộng sự. Hiện kết quả này đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
“Việc thay đổi khí hậu chính là nguyên nhân dẫn đến hình thành sa mạc Sahara và quan trọng hơn, nó hình thành sớm hơn mọi người nghĩ. Những thay đổi khí hậu này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sự thay đổi của hệ thực vật, động vật cả của châu Á lẫn châu Phi”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Với kiến thức được biết đến trước đây, người ta cho rằng sa mạc Sahara hình thành từ cách đây 3 triệu năm. Hiện nay, sa mạc Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới với hơn 9 triệu km2 , chiếm 10% diện tích châu Phi, giáp với biển Đỏ ở phía Đông và Đại Tây Dương ở phía Tây. Sa mạc này cũng giáp với các quốc gia như Algeria, Chad, Ai Cập và Sudan. Trên Sahara, chúng ta sẽ dễ dàng thấy các đụn cát với chiều cao hơn 150 mét.