Vào ngày 10/11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Thời gian thanh toán là vào ngày 20/11.
Với việc VPBank chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng sẽ nhận về gần 329 tỷ đồng từ việc chia cổ tức. Ông Dũng đang sở hữu gần 330 triệu cổ phiếu VPB (chiếm 4,89% vốn điều lệ VPBank), tương ứng khoảng gần 7.400 tỷ đồng tính theo thị giá chốt phiên giao dịch ngày 16/10.
Tương tự, vợ ông Ngô Chí Dũng, bà Hoàng Anh Minh cũng đang nắm giữ hơn 320 triệu cổ phiếu VPB. Số tiền bà Minh nhận về từ việc chia cổ tức gần 327 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Quyên, mẹ của ông Dũng sở hữu hơn 325 triệu cổ phiếu VPB nên được nhận cổ tức gần 326 tỷ đồng. Con gái ông Dũng là Ngô Minh Phương cũng đang nắm giữ gần 10,8 triệu cổ phiếu VPB. Số tiền cổ tức bà Phương nhận về gần 11 tỷ đồng.
Hiện tại, gia đình ông Dũng đang nắm giữ gần 1 tỷ cổ phiếu VPBank. |
Như vậy, tổng giá trị cổ tức gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng nhận về sau đợt chia cổ tức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số lượng cổ phiếu VPBank gia đình ông Dũng đang nắm giữ gần 1 tỷ đơn vị, tương đương giá trị hơn 22.300 tỷ đồng.
Một người thân của ông Dũng là anh rể Trần Ngọc Bê, đang sở hữu gần 52 triệu cổ phiếu VPBank, nhận về cổ tức gần 52 tỷ đồng. Chưa kể, ông Ngô Chí Trung Johnny, con trai Chủ tịch VPBank đăng ký mua 70 triệu cổ phiếu VPB nhằm mục đích đầu tư. Nếu giao dịch thành công, con trai ông Dũng sẽ sở hữu 1,04% vốn tại VPBank.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, VPBank là một trong số ít nhà băng, cùng với HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB chia một phần cổ tức bằng tiền mặt. Các ngân hàng còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận.
Tại đại hội cổ đông 2023, ông Ngô Chí Dũng cho biết: “Trong chiến lược 5 năm phát triển sắp tới, chúng tôi có đưa vào hạng mục chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Nền tảng vốn hiện tại đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo, được phép trong phạm vi 30% lợi nhuận hàng năm chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông”.
Nền tảng vốn vững chắc mà ông Dũng nhắc đến chính là nguồn vốn từ khoản đầu tư của đối tác SMBC - với khoản tiền đặt cọc 10% đã được chuyển vào tài khoản của VPBank ngay trước thềm đại hội. Với gần 36.000 tỷ đồng vốn cấp 1 tăng thêm, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank được nâng từ hơn 100.000 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.