Hé lộ bất ngờ về đường dây tin tặc liên tỉnh chiếm đoạt tiền 'chục tỷ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ việc bắt giữ một hacker chuyên chiếm đoạt tài khoản Facebook để đòi tiền chuộc và lừa đảo vay tiền, Công an tỉnh Yên Bái và Cục A05 - Bộ Công an đã bóc gỡ 2 ổ nhóm cho thuê sim số ảo với số lượng lớn, thu lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.

Nghiện game online

Thông tin từ Công an tỉnh Yên Bái cho biết, Cơ quan CSĐT vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 14 bị can về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan CSĐT xác định, tổng số tiền khách hàng đã chuyển đến các tài khoản của nhóm đối tượng là hơn 17,3 tỷ đồng.

Hé lộ bất ngờ về đường dây tin tặc liên tỉnh chiếm đoạt tiền 'chục tỷ' ảnh 1

Một số đối tượng trong vụ án

Vụ án được khám phá từ việc, cơ quan CSĐT bắt quả tang Nguyễn Trung Tính (SN 2001, trú tại Yên Bái) đang rao bán một tài khoản Facebook đánh cắp được vào tháng 11/2020. Mặc dù chưa học hết lớp 2, song do thường xuyên lên mạng internet và nghiện game online nên đối tượng đã nghĩ ra cách kiếm tiền tiêu xài bằng việc hack (tấn công) tài khoản Facebook để chiếm đoạt tài sản.

Để thực hiện ý đồ, Tính móc nối với Lý Trọng Thiên (SN 2001, trú tại Vĩnh Long) - bạn quen qua mạng để cùng nhau hack các tài khoản Facebook với mục đích đòi tiền chuộc, lừa đảo bạn bè, người thân của chủ tài khoản và bán tài khoản.

Ngày 26/10/2020, sau khi hack được một tài khoản Facebook, Tính đã sử dụng tài khoản này để lừa vay của anh P.H.L (trú tại Hà Nội) 800.000 đồng. Ngày 30/10/2020, Thiên hack tài khoản của chị N.T.H (trú tại Vĩnh Phúc) rồi sử dụng tài khoản này nhắn tin cho chị V.T.T (trú tại Vĩnh Phúc), yêu cầu nạn nhân chuyển cho 2 mã thẻ cào Viettel, mỗi mã có mệnh giá là 100.000 đồng; nhắn tin vay của tài khoản là chị P.T.T.T (ở tại Mê Linh) số tiền là 300.000 đồng...

Quá trình điều tra đã làm rõ thủ đoạn của 2 hacker (tin tặc) này, các đối tượng đã thuê trực tuyến các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên 2 trang mạng http://simthue.com và website rentcode nhằm khi đánh cắp tài khoản xong sẽ dùng số sim thuê để nhận mã code, thay đổi mật khẩu tài khoản của các nạn nhân. Tiền thuê đối với website rentcode, mỗi tin nhắn có giá tiền từ 500 đến 1.000 đồng; website simthue có giá từ 1.000 đến 2.000 đồng.

Thuê hàng triệu sim để lừa đảo

Từ lời khai của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Cục A05 - Bộ Công an để bóc gỡ “đại bản doanh” của hai trang cho thuê sim nêu trên.

Ngay sau khi xác định được chủ website rentcode là Trần Duy Dương (SN 1994, trú tại một chung cư ở phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cảnh sát đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở và địa điểm kinh doanh của đối tượng này tại 69 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hé lộ bất ngờ về đường dây tin tặc liên tỉnh chiếm đoạt tiền 'chục tỷ' ảnh 2

Tang vật vụ án

Tại cơ quan công an, Dương khai từ tháng 8/2019, xây dựng website rentcode bằng việc mua máy tính, mua và lắp ghép thiết bị đầu cuối mạng viễn thông (GSM, simbank, gateway simbank). Để có nguồn sim cắm vào các thiết bị đầu cuối, Dương thông qua tài khoản người dùng (user) được nhà mạng cấp, tự sử dụng các thông tin cá nhân của người khác đăng ký kích hoạt sim trả trước. Dương còn thuê sim vật lý nhà mạng của Nguyễn Duy Tùng (SN 1989 ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thuê sim online của hơn 20 người khác bằng cách chuyển tool, sau đó cài đặt từ xa.

Dương thuê Trần Trung Triều (SN 1989, ở thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh, Thăng Bình, Quảng Nam) viết phần mềm kết nối (tool); thuê Hồ Đức Thuận (SN 1990 ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thiết kế web, rồi vận hành dịch vụ cho thuê sim kiếm tiền. Cơ quan CSĐT xác định, có 3 triệu lượt khách thuê sim giao dịch thành công qua website rentcode, với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Còn chủ website simthue.com cũng nhanh chóng được Cơ quan CSĐT xác định là Đỗ Quốc Cường (SN 1985, ở 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân, TP Hà Nội). Làm việc với cơ quan điều tra, Cường khai tự viết tool, thuê dịch vụ hosting server và tên miền http://www.simthue.com. Sau đó, thuê một số đối tượng khác ở Hà Nội lập trình, duy trì và bảo dưỡng web; thuê người nhận tiền, giải đáp thắc mắc của khách hàng cũng như mua các thiết bị Hub, Dcom 3G, khay sim (là thiết bị dùng cắm sim không bẻ sim khỏi kít) kết nối máy tính có kết nối mạng internet, dùng tool đồng bộ các số điện thoại lên website…

Cơ quan CSĐT xác định, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 9/4/2021, tổng số sim mà các đối tượng thuê trên 2 website là 4.787.603 sim, trong đó rentcode là 3.279.271 sim, simthue là 1.508.332 sim.

Được biết, hiện Cơ quan CSĐT đang tiếp tục điều tra mở rộng giai đoạn 2 của vụ án, đồng thời làm việc với các nhà mạng nhằm làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, phân phối sim điện thoại.

MỚI - NÓNG