Đó là những cảnh bạo lực, máu me khiến bộ phim khi chiếu ở Mỹ được dán nhãn PG-13, tức là trẻ dưới 13 tuổi cần sự giám hộ của người lớn.
Nhiều phụ huynh chỉ đơn giản xem đoạn phim trailer Super 8 trước cửa rạp, thấy trong rạp nhiều trẻ con (vì câu chuyện xoay quanh khám phá của những đứa trẻ) là yên tâm “tống” con vào rạp để làm việc khác. Hoặc hồn nhiên vào xem cùng con mà không có một ý thức nào về việc phim có phù hợp với tuổi con hay không. Những phụ huynh vô tâm thế hẳn từng “điên ruột” khi trót cho con xem những phim kiểu Bi đừng sợ ,và nổi nóng với ai đó khuyến cáo họ, rằng ngay cả những phim hoạt hình đang cháy vé như Kung Fu Panda 2 đang chiếu hay Shrek 4 năm ngoái, đều là những phim được khuyến cáo không nên để trẻ xem một mình. Lý lẽ của họ: Đến phim hoạt hình cũng phải dè chừng nữa sao, vậy khi nào tôi mới yên tâm thả con trong rạp để tự do xả láng một buổi cuối tuần?
Người viết ngờ rằng dạng phụ huynh như thế không hiếm chút nào- nếu chúng ta theo dõi các diễn đàn “đấu tố” một bộ phim nào đó trên tivi hay ngoài rạp. Chẳng hạn gần đây, có mấy phim bị quy kết ăn dỗ trẻ con như Đấu trường Yoyo, Robot trái cây. Hay Bi đừng sợ nhắc trên kia, mà họ cho con xem chỉ vì nghe cái tên “có vẻ con nít”.
Hồn nhiên để con xem các loại phim, không tham khảo chút nào về nội dung, thậm chí còn đôi co cãi cọ với nhân viên rạp khi họ không cho trẻ nhỏ vào.(Lý lẽ thường là: Con tôi đi với tôi, không cho nó vào thì ai trông, đại loại thế). Thế rồi khi thấy một cảnh có vẻ “người lớn” trên màn hình TV hay trong rạp thì vội vàng bịt mắt con, và sau đó tìm diễn đàn nào đó để trút giận, đổ lỗi cho nhà sản xuất, nhà đài nhà rạp, v.v…
Tóm lại trong chuyện này lỗi ở ai? Rạp chiếu hay truyền hình- những nơi vì mục tiêu doanh thu mà lờ đi khuyến cáo cần thiết. Với lý do chính đáng kiểu: Phim đã duyệt, không có cảnh báo thì tội gì mà phân loại khán giả! Hoặc làm ngơ khi khán giả nhỏ vào xem phim người lớn. Nhà sản xuất nếu chủ ý gắn cho phim mình nhãn “Chỉ dành cho người trên 16/17/18 tuổi” dễ bị kết tội câu khách, càng kích thích tò mò của con trẻ. Còn những người để con trẻ đi xem loại phim như thế thì có vẻ hoàn toàn vô can.
Đến bao giờ các phụ huynh đáng kính mới học được thói quen sơ đẳng: Cẩn trọng lựa chọn thực đơn giải trí cho con cái mình? Nói cách khác, tập thói quen biết giật mình trước một thị trường giải trí vốn rất phức tạp như ở Việt Nam? Liệu có phải tất cả phim hoạt hình đều mặc định dành cho trẻ con hay không? Trên trang web dữ liệu điện ảnh IMDB, ở phần thông tin về Kung Fu Panda, cả tập 1 và tập 2, đều có những dẫn chứng vì sao phim này dán nhãn PG (tức Parental Guidance– cần hướng dẫn của phụ huynh). Cụ thể: Bao nhiêu cảnh đánh đấm bạo lực; bao nhiêu từ ngữ không phù hợp trẻ em- những lời ám chỉ nhạy cảm; bao nhiêu hình ảnh đáng sợ dễ gây kinh động trẻ dưới 5 tuổi (như cảnh nhân vật độc ác hành động).
Tất nhiên không phải ai cũng dễ dàng truy cập thông tin. Nhưng khi người ta có thể rất kỹ càng chọn lựa thực phẩm cho con ăn, thậm chí phải ăn thử trước khi con ăn, thì sao lại dễ dãi trước món ăn tinh thần? Phải chăng vì hậu quả không tức thời nên yên tâm (hay thờ ơ)? Hay vì quá bận rộn nên chỉ cần phim mang nhãn “trẻ con” là tốt lắm rồi, chẳng nên mất thì giờ không cần thiết?
Nếu quả thực lối suy nghĩ ấy đã trở nên thịnh hành, thì đương nhiên đã tìm ra câu trả lời cho sự “không bình thường” mà báo chí nêu ra. Trong đó có cả việc các em thích thú bắt chước hát và diễn như người lớn, trẻ mẫu giáo cũng tụ tập “oánh” như trong phim, và bắt nạt bạn bè. Làm sao một đứa trẻ có thể phân biệt được bạo lực của một nhóm siêu nhân đầy màu sắc với các con robot khác nếu không có sự giải thích, định hướng của cha mẹ?