Nếu coi Kiều- phim đầu tay của nhà sản xuất, đạo diễn kiêm diễn viên Mai Thu Huyền là một MV ca nhạc (dù cho bài hát và ca sĩ chỉ xuất hiện ở những phút cuối) thì mọi sự lạ lùng của phim mới có thể được hóa giải. Vì chỉ MV mới có thể dung hòa những cải biên, sáng tạo không biên giới của phim này. Phim lựa đoạn đời có thể nói dễ dàn dựng hơn cả của Kiều, tức là từ khi bị bán vào lầu xanh cho đến khi đoạn tuyệt với Thúc Sinh. Cảnh ba người đi ba ngả cuối phim rất đặc trưng cho phong cách “ước lệ” thường thấy trong các MV ca nhạc.
Tất nhiên một trong những điều khán giả quan tâm đầu tiên về phim là ngoại hình Kiều. Khuôn hình đầu tiên đặc tả cặp mắt Kiều chỉ thấy ấn tượng mỗi cặp mi giả chuốt mascara dày cộp. Chả lẽ thời ấy mà công nghệ trang điểm (chưa kể chỉnh sửa thẩm mỹ) đã phát triển đến vậy sao?! Tuy nhiên ở nhiều khuôn hình cận khác do xử lý ánh sáng chưa kỹ nên có thể thấy rõ lớp phấn không ăn da khiến mặt Kiều như kiểu bị mốc.
Trả thù đàn ông trở thành “lẽ sống” của hồn ma Đạm Tiên (trái) |
Kiều do Trình Mỹ Duyên thể hiện không thấy đâu sự sâu sắc khôn ngoan mà chỉ toàn ngu ngơ cam chịu, khóc lóc từ đầu đến cuối. Đâm ra Hoạn Thư của Cao Thái Hà lại gây ấn tượng hơn, dù khóc cười loạn xà ngầu nhưng ít ra cũng nhiều sắc thái cảm xúc hơn để thể hiện.
Không chỉ lược bớt cốt truyện, kịch bản phim còn xóa sổ luôn nhiều nhân vật. Kiều trong phim chưa từng gặp Kim Trọng. Sở Khanh cũng không có, nên Thúc Sinh chính là người đầu tiên cho nàng biết thế nào là tình yêu. Thực ra Thúc Sinh trong phim vừa có bóng dáng Kim Trọng (người tình lý tưởng) vừa mang bản chất Sở Khanh (sát thủ tình trường). Thúc Sinh trong phim không chuộc mà đem Kiều trốn đi. Và đương nhiên giấu biệt việc mình có vợ. Kiều cũng chả thắc mắc gì về nhân thân của chàng. Được lai ghép một chút Từ Hải ở khoản võ công phi phàm, tóm lại Thúc Sinh này hội gần đủ các đặc điểm của những người đàn ông đi qua đời Kiều. Nhưng vì có yêu Kiều (khác Sở Khanh hay Mã Giám Sinh) nên là tội lừa đảo xem ra có tình tiết tăng nặng. Nhưng phim có vẻ vẫn đặt nhân vật này ở phía chính diện. Vì những thứ xấu xa tàn ác nhất được đổ cho Hiền Bá - nhân vật được thêm vào do Hiếu Hiền đảm nhiệm.
Thúc Sinh trong phim là người không thực tế chút nào. Đơn cử, đưa Kiều ra ở một túp lều (mà vách thưa đến mức bên ngoài có thể nhìn thấy hết những gì diễn ra bên trong) ở nơi rừng sâu núi thẳm rồi bảo nàng cứ ở yên đấy một thân một mình chờ ta về giỗ bố vợ. Túp lều lý tưởng “lãng mạn” cỡ đó rõ chuẩn MV còn gì?!
Vì sao Mã Giám Sinh không cướp được cái ngàn vàng của Kiều. Ấy là vì Đạm Tiên đã được Mai Thu Huyền cho đội mồ sống dậy và chính cô thủ vai này. Chừng nào quan hệ giữa Đạm Tiên và Kiều còn tốt đẹp thì khán giả không có gì để xem vì tài phép của Đạm Tiên đủ sức bảo vệ Kiều. Lối khai thác hơi hướng đương đại này có khả năng chuyển dòng phim sang kinh dị nhưng tác giả không đào sâu thêm.
Không có Kim Trọng, Kiều dành trọn tình cảm cho Thúc Sinh |
Khán giả không được biết gì thêm về thế giới của những hồn ma như Đạm Tiên và đáng tiếc là tất cả những trò siêu nhiên mà Đạm Tiên gây ra cũng chỉ khiến người ta kinh hãi trong chốc lát rồi lại quên ngay. Chẳng ai buồn rút kinh nghiệm và Kiều vẫn bị hành hạ, rẻ rúng như thường.
Tất nhiên quan hệ giữa Đạm Tiên và Kiều chả có gì sâu sắc, không có đàm đạo thơ phú nhạc họa gì mà chỉ là những trao đổi ngắn gọn khô khan sớm dẫn đến bất đồng vì hai bên không chịu tìm hiểu gì về nhau. Kiều cứ như đã quen và gặp nhiều ma rồi nên Đạm Tiên cũng chẳng gây ép-phê gì lắm (!). Phim dường như chỉ mượn danh tiếng lẫy lừng và cốt truyện lâm li của Kiều để gây chú ý cho sự ra mắt của một đạo diễn. Phim cũng không hề chú ý đến việc xây dựng tính cách nhân vật. Nếu Thúc Sinh không đáng mặt trượng phu để có thể cứu vớt hoặc ít ra cũng có trách nhiệm với Kiều thì bản thân Kiều cũng tỏ ra nông cạn, thậm chí còn có nét ác. Trong phim, Kiều như một cô gái đi trước thời đại, đạp bằng mọi trở ngại chạy theo tiếng gọi của tình yêu dù cho phải đánh đổi bằng mạng sống của… người khác.
Tuy không hở hang mấy nhưng những cảnh quay giường chiếu của Hoạn Thư và Thúc Sinh trong phim có thể làm khán giả “nổi da gà” vì những chiếc hôn kiểu Pháp liên tục được đặc tả. Nếu Nguyễn Du chỉ “bắt” Kiều đánh đàn trong khi vợ chồng nhà kia ăn nhậu thì Mai Thu Huyền mạnh tay hơn nhiều. Có thể nói đánh ghen là chủ đề chính của phim nên các thủ thuật trong lĩnh vực này được đào sâu hết mức. Nếu Truyện Kiều ngày ấy đã bị giới bảo thủ coi là “dâm thư” (“Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”) thì không hiểu khán giả ngày nay có đủ độ “thoáng” để tiêu hóa được cảnh “thị yến trong (chứ không còn là “dưới”) màn” này?! Qua cảnh phim hết sức “đột phá” này, không chỉ Hoạn Thư mà Thúc Sinh cũng thể hiện một thú vui tình dục phải nói là khác thường. Đâm ra Hiền Bá và Thúc Sinh chưa biết ai bệnh hoạn hơn!
Ngay việc không biết lấy bối cảnh ở đâu, Việt Nam hay Trung Quốc… đã là một thách thức với bất cứ đạo diễn nào khi định dựng Kiều thành phim. Nhưng Mai Thu Huyền đã hóa giải trở ngại này nhẹ nhàng đến không ngờ, tức là có gì dùng nấy. Nếu trang phục đã được thông báo là không phụ thuộc vào thời kỳ nào thì bối cảnh kiến trúc, nội thất, thuyền bè đều là những thứ sẵn có, có thể tìm thấy ở bất cứ khu du lịch nào.
Tổng thể bộ phim cũng giống như sản phẩm cây nhà lá vườn. Chứng tỏ nhà sản xuất hay đạo diễn không mấy e ngại trước tầm vóc danh tác đại thi hào. Tất nhiên tác giả phiên bản chuyển thể có quyền tùy ý sáng tạo dựa trên bản gốc. Tuy nhiên càng đi xa khỏi bản gốc thì có nguy cơ càng lộ những điểm yếu về tư tưởng và tay nghề. Hai trăm năm sau, Kiều vẫn đẹp hơn cả khi nằm yên trên giấy. Rất không nên đánh thức nàng dậy như kiểu Kiều trong phim đã vô tình thức tỉnh Đạm Tiên.
Dường như khi câu chuyện trong phim diễn ra thì Kiều của Nguyễn Du đã nổi tiếng đến độ ai cũng thuộc. Hay là người xưa ăn nói văn hoa đến mức Nguyễn Du chỉ ghi lại là thành Truyện Kiều?! Tú Bà gặp Kiều: “Rồi ta sẽ dạy cho con vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”. Vừa thấy Kiều, Thúc Sinh tán dương: “Thật đúng là làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Đạm Tiên thì bị Kiều độp vào mặt: “Em thương chị sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng”.