Hậu quả từ hai nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh của ông Phạm Thế Dũng: Ai khắc phục nổi?

Dự án khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng.
Dự án khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng.
TP - Sau hai nhiệm kỳ 2006-2010 và 2011-2016, ông Phạm Thế Dũng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng các cán bộ, sở ngành liên quan đã để lại hàng loạt sai phạm, gây thất thoát số tiền “khủng” của Nhà nước và nhân dân.

Ông Dũng đã nói: “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử”, còn nhiều cán bộ lãnh đạo đương nhiệm của tỉnh Gia Lai thì cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là phải tìm mọi cách khắc phục khối hậu quả mà nhiệm kỳ ông Phạm Thế Dũng gây ra. 

Thêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Ngoài sai phạm nghiêm trọng trong khi tự ý mở 5 cửa khẩu dọc biên giới, tự ý chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, thì kết luận số 2834/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 16/5/2014 còn chỉ rõ việc sử dụng đất đai và quản lý đầu tư một số dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều sai phạm trong hai nhiệm kỳ mà ông Phạm Thế Dũng là Chủ tịch UBND tỉnh, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước và nhân dân.

Theo đó, từ năm 2001 đến 2010 có 16/17 huyện và 166/222 xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm khoản 4, khoản 5, điều 15 Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Đối với các dự án giao đất để kinh doanh phát triển nhà từ năm 2004 đến 2010, UBND tỉnh Gia Lai đã giao đất cho các dự án gồm: dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng, Dự án khu đô thị Cầu Sắt và Dự án khu dân cư Phượng Hoàng I. Quá trình giao đất này có nhiều sai phạm. Cụ thể, UBND tỉnh không tổ chức đấu giá mà giao đất có thu tiền sử dụng là vi phạm quy định tại Điều 58 Luật Đất đai và Điều 61 Nghị định 18. UBND tỉnh cũng thiếu đôn đốc, để Công ty FBS nợ hơn 6 tỷ đồng, theo báo cáo của Sở Tài chính Gia Lai.

Đối với Dự án khu đô thị Cầu Sắt và Trung tâm thương mại Hội Phú, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai chưa tiến hành quyết đoán, đối trừ tiền giải phóng mặt bằng và tiền đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Hội Phú do Công ty CP GP.Highland ứng trước theo chấp thuận của UBND tỉnh Gia Lai, để nợ tiền sử dụng đất trên sổ sách tới gần 135 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc thường trực UBND tỉnh Gia Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các chủ đầu tư Công ty FBS, Công ty CP GP.Highland.

Ngày 28/12/2009, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010-2020, gọi tắt là Quy hoạch 58. Trong khi đang thực hiện Quy hoạch 58, thì ngày 27/12/2010 UBND tỉnh Gia Lai lại ban hành Quyết định số 914  điều chỉnh, bổ sung thêm 88 điểm mỏ, sau đó cấp 4 giấy phép khai thác quặng sắt, đá xây dựng, than bùn, là vi phạm Điều 27 Luật Đất đai. Trách nhiệm thuộc thường trực UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai.

Đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ, việc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được Bộ Công Thương thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4/2002 và Quyết định số 6/2008, gồm 74 nhà máy với tổng công suất 421,065 MW. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ UBND tỉnh Gia Lai chưa chỉ đạo các ngành chức năng công bố Quy hoạch thủy điện theo trình tự thủ tục quy định; quá trình chấp thuận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án chưa đúng với quy hoạch được duyệt dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Đến nay còn 33 dự án thủy điện thi công chậm tiến độ. Trách nhiệm trên thuộc UBND tỉnh Gia Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Ngọc Sinh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết đã giao Thanh tra tỉnh theo dõi việc khắc phục những sai phạm nói trên. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Thanh tra tỉnh Huỳnh Ngọc Thanh lại khẳng định “Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của Ủy ban, Thanh tra tỉnh không nắm được thông tin về những sai phạm trên”.

Hậu quả từ hai nhiệm kỳ chủ tịch tỉnh của ông Phạm Thế Dũng: Ai khắc phục nổi? ảnh 1 Nhiều sai phạm trong Dự án mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập.

Thông thầu cho vợ

Theo Nghị định số 74 về miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thì “Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với mức 70.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở, các đồ dùng học tập”.

Tuy nhiên, thay vì cấp tiền trực tiếp cho 66.438 trẻ em trên địa bàn tỉnh, năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai lại ra Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 11/6 về việc phê duyệt danh mục chi tiết, dự toán mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập các cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT niên khóa 2014-2015, giao Sở GD&ĐT Gia Lai làm chủ đầu tư khoản ngân sách mua sắm hơn 33 tỷ đồng.

Theo đó, các mặt hàng đều được chỉ định trước, cụ thể: cặp học sinh có thông số kỹ thuật theo hiệu của Hami, vở học sinh phải theo tiêu chuẩn của Nhật Bản (vở campus), giá một quyển vở là 8.600 đồng trong khi vở sản xuất trong nước giá chỉ trên 3.000 đồng/quyển, sáp tô 12 màu Masterart của Thái Lan…

Kết quả, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai trúng thầu Dự án mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập cho học sinh năm học 2014-2015. Được biết, bà Trần Thị Thu Hà - vợ của ông Phạm Thế Dũng thời điểm đó là phó giám đốc công ty này, nay là giám đốc. Còn Chủ tịch HĐQT công ty này là ông Phạm Văn Nam, em rể của ông Phạm Thế Dũng.

Để dự án “nhắm đúng mục tiêu”, ông Phạm Thế Dũng cho ban hành Công văn số 2707 ngày 23/7/2014 chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm tra, yêu cầu sách vở và đồ dùng học tập phải đảm bảo đúng quy cách, chủng loại như nhau, đồng thời thành lập Hội đồng thẩm định với trách nhiệm kiểm tra thực tế mẫu sách, vở và đồ dùng học tập của đơn vị trúng thầu, đảm bảo đúng danh mục chi tiết được phê duyệt theo Quyết định số 473.

Thực tế, đầu năm học 2013-2014, trước khi Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học cung cấp sách giáo khoa và vở viết, nhiều bậc phụ huynh đã chuẩn bị đầy đủ sách và vở cho con em mình. Nhiều học sinh giỏi, tiên tiến còn được nhận thưởng sách, vở. Do vậy việc bắt ép học sinh phải mua sách, vở và dụng cụ học tập với giá cao, nhằm trừ vào số tiền hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Chính phủ, đã gây bất bình sâu sắc trong đông đảo phụ huynh.

Một “nạn nhân” của Dự án mua sắm sách, vở và đồ dùng học tập cho học sinh năm 2014-2015 là Công ty Cổ phần In - Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai. Khi tham gia đấu thầu, công ty này đã tạm ứng tiền cho các nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa, không ngờ bị “nhóm lợi ích” chơi xấu, khiến công ty không trả hàng lỡ mua lại được, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Trong khoản thiệt hại đó, ngày 24/7/2014 Công ty chuyển khoản hơn 269 triệu đồng cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trương Vui để mua cặp, ba lô học sinh. Cùng ngày, UBND tỉnh Gia Lai ra công văn số 2707 yêu cầu cặp học sinh chỉ được lấy mỗi một hiệu Hami. “Cho đến nay, công ty chúng tôi vẫn chưa được nhận lại số tiền đã tạm ứng, dù ông Trương Vui đã xác nhận khoản nợ hơn 269 triệu đồng” - đại diện Công ty Cổ phần In - Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai bức xúc. 

MỚI - NÓNG