Hậu quả nặng nề do thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 5/5 chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề “Khỏe tiêu hóa - Khỏe hơn mỗi ngày” đã được báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia chính thức phát động.

Tại buổi họp báo khởi động chương trình truyền thông hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết hiện nay, suy dinh dưỡng (SDD) vẫn đang còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỉ lệ trẻ em SDD thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, 14,1% năm 2015 đối với thể nhẹ cân, tuy nhiên tỷ lệ SDD thấp còi chung toàn quốc vẫn ở mức 24,6% năm 2015, xếp vào hàng các quốc gia có tỷ lệ thấp còi cao, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009 – 2010, 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng và các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD và thiếu vi chất là khẩu phần ăn trẻ em dưới 5 tuổi còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tình trạng suy dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ.

Hậu quả nặng nề do thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp ảnh 1
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Nhiễm trùng, đặc biệt là tiêu chảy ảnh hưởng rất trầm trọng đến tình trạng dinh dưỡng của đứa trẻ. Nhiễm trùng dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa do đó làm giảm hấp thu, đặc biệt các vi chất, làm cho kháng nguyên và các vi khuẩn đi qua nhiều hơn. Nhiễm trùng làm tăng hao hụt các chất dinh dưỡng, trẻ ăn kém hơn do giảm ngon miệng. Người ta ước đoán rằng nhiễm trùng ảnh hưởng đến 30% sự giảm chiều cao ở trẻ. Tỷ lệ SDD có thể giao động theo mùa và thường cao trong những mùa có các bệnh nhiễm khuẩn lưu hành ở mức cao (tiêu chảy, viêm hô hấp, sốt rét, sởi và các bệnh ký sinh trùng đường ruột).

SDD trẻ em sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị SDD dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. SDD làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

Ông Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống nhấn mạnh: “Giữ cho bản thân khỏe mạnh mỗi ngày luôn là điều quan trọng với bất cứ ai, và sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm gần đây đã cho thấy rõ, chưa bao giờ việc chăm sóc sức khỏe lại quan trọng đến vậy đối với mỗi chúng ta. Điều này đã tạo nên nhận thức rõ hơn cũng như sự thay đổi về quan điểm trong việc thực hành chăm sóc sức khỏe bản thân đúng cách. Trong đó, hệ tiêu hóa khỏe được xem là một trong những tiền đề giúp cơ thể khỏe mạnh bởi sức khỏe hệ tiêu hóa có tác động trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của cơ thể. Do đó, chăm sóc sức khỏe cho hệ tiêu hóa cũng chính là chăm sóc sức khỏe cho cơ thể".

Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Báo Sức khỏe và Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế xác định hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hoá Thế giới cũng chính là nhiệm vụ truyền thông của báo, góp phần tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ tổng thể.

"Chương trình sẽ được tổ chức thường niên vào tháng 5, đem đến cho người dân và cộng đồng những thông tin hữu ích, các giải pháp dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giúp xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, từ đó nâng cao sức khỏe miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể tối ưu hóa việc phòng tránh bệnh tật", nhà báo Trần Tuấn Linh nêu rõ.

MỚI - NÓNG