Hậu phương của 'kỳ nhân' điền kinh Nguyễn Thị Oanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cô gái vàng điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà (huyện Lạng Giang, Bắc Giang). Dù bố mẹ làm nông vất vả, nhưng luôn bên cạnh, động viên Oanh mỗi khi cô thi đấu.

Đến xã Mỹ Hà, hỏi về nhà vận động viên Nguyễn Thị Oanh, người dân nhiệt tình chỉ dẫn. Con đường bê tông ngoằn ngoèo đưa đến nhà Oanh. Bố mẹ và Oanh đang sống trong căn nhà cấp 4 đã cũ, rộng khoảng 40m2. Lúc chúng tôi đến, bố Oanh đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Mẹ Oanh mới đi khám sức khỏe về. Trong nhà, những tấm huy chương và bằng khen của Oanh treo kín cả bức tường.

Ông Lê Văn Sáng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà cho hay, không chỉ riêng gia đình Oanh mà bà con làng xóm cũng rất vui mừng, tự hào khi vận động viên Nguyễn Thị Oanh đạt được nhiều huy chương vàng tại SEA Games, đặc biệt là kỳ tích giành hai huy chương vàng ngày 9/5.

“Hôm 9/5, vợ chồng tôi xem Oanh thi đấu tại SEA Games 32 rất hồi hộp và lo lắng cho sức khỏe của con vì hai nội dung thi đấu rất sát thời gian. Khi con về nhất an toàn và đoạt huy chương vàng ở cả hai nội dung thi đấu, chúng tôi mới hết lo lắng. Thấy con khỏe là chúng tôi vui rồi”, bà Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1955), mẹ của Oanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chuyền (sinh năm 1956), bố của vận động viên Nguyễn Thị Oanh cho biết, vợ chồng ông sinh được 8 người con (7 con gái, 1 con trai), Oanh là người con thứ 7. Sáu chị gái của Oanh đã đi lấy chồng, người em trai đang làm cơ khí ở Hà Nội. Ông từng đi bộ đội chống Mỹ. Vợ chồng ông làm nghề nông, hiện kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Gia đình ông có khoảng 2 mẫu vườn đồi (trồng 100 cây vải thiều), có ao nuôi cá, nuôi lợn và 3 sào lúa.

Hậu phương của 'kỳ nhân' điền kinh Nguyễn Thị Oanh ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Chuyền và bà Nguyễn Thị Hưởng, bố mẹ của vận động viên Nguyễn Thị Oanh. Ảnh: Nguyễn Thắng

Ông Chuyền chia sẻ, từ ngày còn học tiểu học, Oanh đã yêu thích môn chạy. Các thầy giáo dạy thể dục là những người sớm phát hiện ra khả năng chạy của Oanh. Ngày còn nhỏ, Oanh và các anh chị thường thức dậy từ sớm chạy bộ đường làng. Sau đó, Oanh thường tham gia các giải chạy của huyện và tỉnh Bắc Giang, rồi được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia.

“Thấy Oanh trưởng thành, đạt thành tích cao trong thi đấu, chúng tôi rất phấn khởi và tự hào về con. Trong thời gian Oanh đi thi đấu, vợ chồng tôi và các anh chị liên tục động viên để tiếp thêm động lực cho con. Hôm 9/5 Oanh phải thi đấu hai nội dung sát thời gian, gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi biết con mình sẽ vượt qua”, ông Chuyền nói.

Ông Chuyền cho biết thêm, trước kia, nhà đông con nên ông từng phải đi làm thợ mộc để có thêm thu nhập. Đến năm 2000, vợ chồng ông mới có tiền làm căn nhà cấp 4 lợp ngói và ở đến bây giờ. Dù đã có tuổi, nhưng cuộc sống của vợ chồng ông vẫn còn vất vả. Hằng ngày, ông và vợ vẫn bám vào mảnh vườn, đàn lợn và vài sào lúa để lo cho cuộc sống. Điều khiến vợ chồng ông băn khoăn là thu nhập của Oanh vẫn chưa đảm bảo được cuộc sống riêng của con.

MỚI - NÓNG
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học là nơi không có bạo lực học đường, không ép buộc học thêm
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trường học là nơi không có bạo lực học đường, không ép buộc học thêm
TPO - Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thủ đô phải hướng tới nền giáo dục thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường, không có nói tục chửi bậy, không ép buộc học thêm. Quan trọng nhất, ở đó, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.