Hậu Kim Jong-il, lối đi nào cho Bình Nhưỡng?

Hậu Kim Jong-il, lối đi nào cho Bình Nhưỡng?
TP - Sau sự ra đi đột ngột của Chủ tịch Kim Jong-il, một câu hỏi đặt ra là rồi đây chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng sẽ như thế nào, có tiếp tục đi theo con đường của người tiền nhiệm hay sẽ có ngã rẽ.
Hậu Kim Jong-il, lối đi nào cho Bình Nhưỡng? ảnh 1
"Người kế tục vĩ đại" của Triều Tiên Kim Jong Un.

Một khả năng là bán đảo Triều Tiên có thể căng thẳng hơn, lúc đó tình hình các nước Đông Bắc Á cũng sẽ hết sức căng thẳng. Mặc dù khả năng xảy ra xung đột vũ trang là ít nhưng cũng không loại trừ.

Một khả năng nữa là Bình Nhưỡng sẽ đi đúng quỹ đạo về mặt chiến lược và chính sách của người tiền nhiệm, vẫn luôn trong trạng thái đối đầu và không từ bỏ việc theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân và các vũ khí hiện đại khác.

Khả năng thứ ba là Bình Nhưỡng sẽ điều chỉnh chính sách theo xu hướng mềm mỏng hơn, không dễ dàng từ bỏ ngay chương trình hạt nhân nhưng sẽ có điều chỉnh chính sách đối ngoại theo xu thế ôn hòa hơn, phù hợp xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trong quá trình này, Trung Quốc vẫn sẽ tác động ở mức độ nhất định để đảm bảo Triều Tiên tương đối ổn định để quay lại bàn đàm phán 6 bên. Dù đề cao cảnh giác nhưng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng muốn lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng ôn hòa hơn, quay lại đàm phán 6 bên và tiến tới chấp nhận không phát triển vũ khí hạt nhân.

 
Hậu Kim Jong-il, lối đi nào cho Bình Nhưỡng? ảnh 2

Sẽ có một khoảng thời gian (dài ngắn còn tùy thuộc nhưng cũng có thể kéo dài trong cả năm) để Đại tướng Kim Jong-un tìm cách dung hòa quyền lợi giữa các lực lượng trong lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên. Đại tướng Kim Jong-un chưa đến 30 tuổi, kinh nghiệm hoạt động chính trị chưa nhiều, việc nắm được quân đội như cha mình chắc chắn là chưa được. Vì vậy, thời gian tới, các quyết định của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia hơn, tính độc đoán như trước đây sẽ giảm.

Về mặt đối nội, có thể Đại tướng Kim Jong-un và tập thể lãnh đạo mới sẽ có lối rẽ khác, tuy không đi ngược với người tiền nhiệm nhưng sẽ đẩy mạnh cải cách kinh tế và mở cửa hơn. Trong thế kỷ này, một nền kinh tế cô lập chắc chắn không phát triển được.

Nếu đối nội đi theo hướng đó thì đối ngoại chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh. Muốn mở cửa thì không thể làm căng thẳng mọi chuyện nên xu hướng có thể sẽ ôn hòa hơn.

Khi đó, đàm phán 6 bên nhiều khả năng sẽ được khôi phục lại. Bình Nhưỡng sẽ có những nhân nhượng và chớp thời cơ này, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải nhân nhượng. Chính đây là cơ hội đảm bảo ổn định và phát triển của bán đảo Triều Tiên.

Tất nhiên, chuyện này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Thiếu tướng Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG