Harold Pinter cứu vãn danh tiếng giải Nobel?

Harold Pinter cứu vãn danh tiếng giải Nobel?
TPCN - Nobel văn chương 2005 nếu không là một cú sốc thì cũng là một vụ bê bối có hậu. Trái lệ thường, kết quả xét thưởng Nobel văn chương được công bố chậm lại một tuần.
Harold Pinter cứu vãn danh tiếng giải Nobel? ảnh 1
Nhà văn Harold Pinter

Đã thế, ông Knut Ahnlund, viện sỹ Hàn lâm Thụy Điển từ năm 1983, lại xin từ chức đúng vào lúc cả thế giới ngóng chờ quyết định cuối cùng của Viện, cơ quan xét tặng Nobel văn chương.

Lý do ông đưa ra không khỏi gây choáng váng: Việc trao Giải năm 2004 cho nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek là một sai lầm, phương hại đến Nobel các năm sau.

Viện Hàn lâm Thụy Điển vội vàng ra hai thông báo, một mặt ấn định ngày loan báo chính thức Nobel văn chương 2005 (ngày 13 tháng 10), mặt khác tiết lộ một số nguyên tắc khi bầu chọn giải Nobel này: Một tác giả đoạt Nobel phải có tên trong danh sách năm ứng cử viên cuối cùng, ít nhất hai năm liền.

Suốt hơn 100 năm qua, Nobel văn chương chưa bao giờ về tay một nhà văn mới có mặt lần đầu trong danh sách ấy. Thông thường, ngày giờ công bố giải Nobel văn chương hàng năm chỉ được thông báo trước 24 giờ.

Như vậy, Nobel văn chương 2005 là một biệt lệ, ít ra cũng về thời gian biểu. Trong các thông báo nói trên, ông thư ký của Viện hàn lâm Thụy Điển Horace Engdahl còn thêm rằng có lẽ đã đến lúc phải tổng quan lại Nobel văn chương từ xưa tới giờ…

Nobel văn học 2005 là một bất ngờ. Trái với dự đoán chung là Nobel sẽ đến với một trong các nhà văn Philip Roth (Hoa Kỳ), Joyce Carol Oates (Hoa Kỳ), Ismail Kadaré (Albanie), Amos Oz (Israel), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), người trúng giải lại là nhà văn Anh, 75 tuổi, Harold Pinter, có được nhắc đến nhưng ít và thường ở cuối bảng.

Bất ngờ lớn hơn là dư luận khá phân tán trước việc Nobel tôn vinh Elfriede Jelinek năm ngoái, nhưng lại hoàn toàn thống nhất đối với Harold Pinter. Người lên tiếng chúc mừng và ca ngợi Harold Pinter đầu tiên chính là… người nhận giải Nobel văn chương 2004.

Tiếp đó là các bạn văn khắp thế giới, ví như các nhà viết kịch Anh đều coi ông là “một tấm gương và một cảm hứng” cho họ. Nhà viết  kịch gốc Tiệp Khắc Tom Stoppard khẳng định “Chỉ nguyên chuyện Harold Pinter phấn đấu thành công trong việc thúc đẩy nền sân khấu Anh tiến triển đã là một kỳ tích mà chúng ta phải suy tôn và hàm ơn”.

Ông Andrew Burgin, người phát ngôn của Liên minh hoà bình “Hãy ngừng chiến tranh lại”, thì nhấn mạnh: “Ông là một huyền thoại sống”. “Giải thưởng này là quan trọng, vì nó phản ánh sự thật là các thế lực phát ngôn cho nhân loại và công lý là những tiếng nói mà nhân dân quả thật muốn nghe, chứ không phải những tiếng nói hiếu chiến.”.

“Pinter đã cảnh báo về những điều khủng khiếp có thể xảy ra, nếu chiến tranh chống Irak bùng nổ và sự thật đúng là như vậy”.

Đáng trân trọng hơn cho Harold Pinter là sự vui mừng của các chính khách được bộc lộ cùng lúc với các văn nghệ sỹ, ngay ngày 13/10. Bà Bộ trưởng Văn hóa Anh Tessa Jowell, người thân tín của Thủ tướng Tony Blair bị Harold Pinter chỉ trích kịch liệt về chiến tranh Iraq, đã tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với “một ông khổng lồ của sân khấu Anh từ gần 50 năm nay”.

“Lao động của kịch tác gia, thi sĩ và nhà tranh luận nơi ông đã mang lại cho ông danh tiếng toàn cầu thật xứng đáng”. “Tôi sung sướng vì tài năng đa dạng của ông được khen ngợi bằng một Nobel”.

Bộ trưởng Văn hóa và giao lưu Pháp Renaud Donnedieu de Vabres tỏ ra chí lý và tri kỷ: “Nơi ông - Harold Pinter - những cuộc hội thoại, những cuộc trao đổi bao giờ cũng kết thúc bằng việc phát hiện, từ lời “đi” này đến lời đáp kia, những sự thật kinh khủng của tâm hồn con người”.

“Ông phân tích, với một sự sáng suốt đứng đắn, sự dữ dội trong các quan hệ quyền lực vốn tồn tại dưới vẻ ngoài lịch sự của xã hội”. “Nobel văn chương này là một ngày đẹp trời đối với sáng tạo sân khấu và thế giới biểu diễn”.

Cựu Tổng thống CH Séc kiêm nhà văn Vaclav Havel, một trong những nhân vật có uy tín trên chính trường và văn đàn quốc tế thì thốt lên trong điện mừng gửi Harold Pinter: “Ông không hình dung nổi tôi hạnh phúc đến chừng nào, khi ông nhận Nobel văn học”.

“Tôi thấy ông hoàn toàn xứng đáng với vinh dự này”. Đây cũng là ý kiến chung của mọi người quan tâm đến Nobel văn chương 2005. “Một công trình văn hóa không chỉ của nước Anh”, “Nhà viết kịch Anh vĩ đại nhất nửa sau thế kỷ XX”, “Đại diện kiệt xuất nhất của sân khấu Vương quốc Anh trong 50 năm qua”..., những lời như vậy là chính xác và vẫn được vang lên đó đây cho đến giờ.

Bản thân Harold Pinter rất hài lòng về Nobel dành cho mình. Nhận được thông báo, ông cùng vợ, nữ nhà văn Lady Antonia Fraser, uống rượu vang Pháp để chia vui.

Không lâu sau, nhiều bó hoa tươi được những người dân London đặt trang trọng trước cửa nhà ông. Ngay khi nghe điện thoại của Viện hàn lâm Thụy Điển, 13 tháng mười, ông đã không kìm được, hỏi rằng ông được khen thưởng chỉ vì thành công văn học hay còn vì sự dấn thân chính trị?

Harold Pinter sinh ngày 10 tháng mười năm 1930 ở vùng ngoại ô Hackney của London, trong một gia đình Do Thái nghèo làm nghề thợ may. Bố mẹ ông lao động vất vả mới kiếm tạm đủ tiền cho các con khỏi chết đói và về sau được đi học.

Lên 9 tuổi, ông ba lần phải cùng gia đình sơ tán khỏi London để tránh các cuộc ném bom của phát xít Đức. Bom đạn chiến tranh ám ảnh ông suốt đời. Trở lại Hackney, ông học trung học phổ thông, và say mê diễn kịch Shakespeare cùng bạn bè.

Đây là một nguyên nhân khiến ông trở thành diễn viên tương lai với cái tên David Baron. Năm 1948, ông được vào học trường Nghệ thuật kịch hoàng gia. Năm 1950, ông công bố những bài thơ đầu tiên. Năm 1951, ông thi đỗ vào Trường quốc gia Nghệ thuật sân khấu.

Cùng năm này, ông gia nhập Đoàn kịch lưu động Ailen của Anew Mc Master, vốn nổi tiếng với các buổi diễn kịch Shakespeare. Về sau, ông say sưa hoạt động trong nghệ thuật sân khấu, như một diễn viên, đạo diễn và tác giả kịch bản.

Ông từng viết một tiểu thuyết, Người lùn, mãi 1990 được in. Ông rất yêu thơ và từng xuất bản tập  Những tiếng nói khác nhau, 1998 và đặc biệt tập Chiến tranh, 2003 - phản đối cuộc chiến tranh Irak do Mỹ tiến hành, được tặng Giải Wilfrid Owen.

Ông còn thành công trong kịch bản phim, kịch bản truyền thanh và truyền hình, trong đó đáng ghi nhận hơn cả là Người đầy tớ (1963), Tai nạn (1967), Tình nhân của trung uý Pháp (1931), Đất không người (1974).

Trước Nobel, qua 29 vở kịch và 22 kịch bản, ông được tặng nhiều giải thưởng, mà danh tiếng nhất là Giải Laurence Olivier của Vương quốc Anh và Giải Molière danh dự của CH Pháp.

Dĩ nhiên, bộ phận quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông là kịch, mà ba đỉnh cao nhất là  Tiệc sinh nhật (1957), Người gác cửa (1959) và Trở về nhà (1964).

Bề ngoài, kịch của Harold Pinter là một biến thái của kịch phi lý. Thực chất, nó là kịch-phi-lý-hiện-thực. Cái phi lý trong kịch Samuel Beckett lộ ra qua những cốt truyện khác thường.

Còn trong kịch Harold Pinter, nó ẩn hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày. Dưới những quan hệ bề ngoài lịch sự, bình lặng, luôn sục sôi sự thôn tính nô dịch và sự chống trả  hay khuất phục.

Cho nên, thực chất, dù ở đâu, làm gì, con người dù tự giác hay không, bao giờ cũng cảm thấy bất an. Khám phá này phải nửa thế kỷ sau mới được thừa nhận bằng Nobel văn chương 2005.

Từ nhận định kịch Harold Pinter là “kịch của sự đe doạ”, các nhà phê bình thông tuệ nhất đi đến khái quát chính xác hơn: “kịch của sự không an toàn”.

Câu chuyện kịch của ông thường không cố tình gây cấn. đối thoại rời rạc, như chẳng ăn nhập gì với nhau, chen vào nhiều khoảng lặng..., một nghệ thuật viết kịch như thế đòi hỏi sự cao tay của tác giả và sự bình tĩnh, nỗ lực và chiều sâu nhận thức và rung cảm của khán giả.

Nobel văn chương 2005 như vậy là một Nobel thứ thiệt, Nobel đúng nghĩa.

Harold Pinter là người Do Thái, từ tuổi thơ đã “ngấm” nhiều “đòn” sỉ nhục và chống lại dân tộc mình. Chính nỗi đau thầm kín này quyết định việc ông hiến thân cho văn chương.

Giờ đây, giở lại Lịch sử Nobel, ta có thể sững sờ: Trong 102 Nobel văn chương, có đến 11 vị là dân Do Thái, hầu hết vẫn là những tên tuổi lẫy lừng: Louis Berson (Pháp), 1927; Boris Pasternak (Nga), 1958; Nelly Sachs (Thụy điển), 1966; Shamuel Agnon (Israel, Nobel đồng hạng), 1966; Saul Bellow (Hoa Kỳ), 1976; Isaac Singer (Mỹ), 1978; Elias Canetti (Anh), 1981; Nadine Gordimer (Nam Phi), 1991; Imre Kerstez (Hunggari), 2002; Elfriede Jelinek (áo), 2004 và Harold Pinter (Anh), 2005.

Là nhà thơ, Harold Pinter nổi tiếng chủ yếu vì những bài thơ chính trị, những bài thơ đậm chất công dân, phẩm chất chung của các thi sĩ Nobel. Ba đỉnh cao trong 22 thi sỹ ấy (1/5 Nobel văn học) là Pablo Néruda (Chi Lê), 1971; R. Tagore (ấn độ), 1913 và J.R. Jmenez (Tây Ban Nha), 1956.

Không phải con một người lái tầu hỏa, không sống trong môi trường lao động nhọc nhằn, chắc chắn Néruda không viết được trường ca Bài ca của mọi người, bản anh hùng ca tiêu biểu nhất của thế kỷ XX. áng thơ văn xuôi hay nhất thế kỷ hẳn là Platéro và tôi của Juan Ramon Jimenez.

Nó là kết quả xúc động tất yếu của sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với  làng quê bé nhỏ của mình. Với Thơ dâng, Tagore là Pushkin của thế  kỷ XX. Trong cảm nhận của ông, tình yêu theo nghĩa rộng là khởi thủy của mọi điều tốt đẹp. Do vậy, cuộc đời của Tagore là một thánh-ca-tình-yêu.

Nobel có hoàn toàn công bằng không? Nếu bạn đọc hôm nay quên lãng một vài Nobel buổi đầu như R. Sully Prud’homme (Pháp), 1901; P.Von Heyse (Đức), 1910, hay Karl Gjellerup (Đan Mạch), 1917 - chuyện bình thường -, thì việc Nobel bỏ quên Lev Tolstoi (1828 - 1910) vẫn là một bất công mà chưa lý giải nào biện bạch được.

Nếu việc ba ông khổng lồ bậc nhất của thế kỷ không được Nobel tôn vinh, Marcel Proust (1871 - 1922), James Joyce (1882 - 1941), Franz Kafka (1883 - 1924), có thể chấp nhận, thì những nhà cổ điển mới như E. Hemingway, BL. Pasternak, A. Camus hay S. Beckett, M.Cholokhov lại cho thấy rằng Nobel không thiên vị, không hề phân biệt quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, mầu da.

Minh chứng hùng hồn nhất cho điều này là Nobel 1965 Mikhail Cholokhov. Tổ tiên ông là nông nô, mẹ ông mù chữ, ông ít học, lại suốt đời bị gán cho tội “ăn cắp văn”, đồng thời công khai bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Đảng cộng sản.

Thế nhưng giá trị nhân bản bất tử của Sông đông êm đềm, bộ Chiến tranh và hoà bình của thế kỷ XX, là không thể phủ nhận. Vì vậy, Nobel đã biểu dương Cholokhov.

Trong những tác giả từ chối Nobel như Jean Paul Sartre (Pháp), 1964, hay không thích Nobel lắm như Bernard Shaw (Anh), 1925, trường hợp của nhà thơ Thụy điển Erik Axel Karlfeldt là ngoại lệ duy nhất của hơn một trăm năm Nobel.

Là một người tài cao học rộng, nhà thơ này chỉ viết về quê hương Delacarlie của mình, để lại cho văn học một tiếng thơ đồng quê kỳ diệu hiếm gặp. Do là thư ký vĩnh viễn của Viện hàn lâm Thụy điển từ năm 1912, ông từ chối Nobel văn chương năm 1920 mà ông được tặng.

Song có lẽ không muốn bỏ sót một thành tựu độc đáo và điển hình như thơ ông, Viện hàn lâm Thụy điển vẫn truy tặng Nobel cho  ông ngay khi ông từ trần ngày 4 tháng tư 1931. Bình thường, Nobel chỉ trao tặng cho các nhà văn còn sống.

Với Nobel, lần đầu tiên Harold Pinter “đến” Việt Nam cuối 2005. Như vậy, đã 68 Nobel văn chương được dịch sang tiếng Việt. Bốn người đứng đầu Bảng vàng lần lượt là P. Buck, R. Tagore, E. Hemingway, và A. Camus. Vinh quang cao nhất dành cho thơ dịch thuộc về Thơ dâng của Tagore.

Về truyện ngắn: Ông già và biển cả của Hemingway (4 bản dịch, 13  lần in). Về tiểu thuyết: Người xa lạ  của Camus (7 lần dịch). Tác giả được dịch toàn bộ tác phẩm là M.  Cholokhov.

Sông đông êm đềm được tái bản đến 5 lần, không thua kém Những người khốn khổ, Chiến tranh và hoà bình. Truyện ngắn Số phận con người có đến 3 bản dịch, 6 lần in.

Chỉ trong mấy năm gần đây, Bác sỹ Zhivago của B. Pasternak được dịch 3 lần, in 5 lần. Linh sơn của Cao Hành Kiện có 3 bản dịch, 3  lần in, riêng năm 2003, in 2 lần.

Điều vừa nói cho thấy, một mặt, ở Việt Nam, Nobel vẫn tỏ ra sáng suốt, thiết thực và công bằng, mặt khác, văn học theo nghĩa cổ điển vẫn là cốt lõi của đời sống văn chương.

Bất chấp sự lộn xộn của dịch thuật, bạn đọc Việt Nam vẫn thật sành điệu và đáng kính phục.

Từ Bình Tâm tổng hợp

MỚI - NÓNG