Ông Lý Tường Quang và vợ cả Nguyễn Thị Lâu (ảnh chụp từ tư liệu gia đình).
Cởi áo quan… đi buôn
Tọa lạc trên con đường sầm uất nhất của Chợ Lớn, nhà số 292 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, TPHCM là một tòa nhà phố bề thế, được xây theo kiến trúc Á - Âu. Tòa nhà được công nhận là “Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp TPHCM năm 2009. Đó đã từng là nhà, trụ sở giao dịch, buôn bán của bá hộ Xường, một trong tứ đại hào phú giàu nức tiếng Sài Gòn thế kỷ 19.
Theo đoàn người Minh Hương từ Trung Hoa sang Việt Nam lập nghiệp khoảng năm 1820, ông Lý Sáng Ái (1781 - 1855) quê ở huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vượt biển đến Cần Giờ định cư, hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh, coi tướng số. Ông lấy vợ Việt là bà Trần Thị Thơ sinh hạ được hai người con trai là Lý Đông Quang và Lý Tường Quang.
Từ nhỏ, Lý Tường Quang đã thông minh, dĩnh ngộ, có tài quán xuyến với sự nhìn xa trông rộng. Lên 12 tuổi, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Quang được viên quan Pháp Gandot mời ra làm thông ngôn, rồi giao cho ông chức Bang trưởng cai quản 7 bang người Hoa vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.
30 tuổi, Lý Tường Quang xin nghỉ việc để đi buôn. Ban đầu ông kinh doanh thực phẩm, cá, mắm. Ông thu mua cá ở lục tỉnh, mang lên bán ở Chợ Lớn và Sài Gòn. Ngoài cá tươi, ông còn cho chế biến cá khô, mắm để bán ở các vùng xa hơn, và xuất khẩu cá khô ra nước ngoài.
Sự am hiểu và có mối quan hệ với người Pháp giúp nhiều cho việc giao thương của ông. Ông lập công ty Kim Bảo, mở rộng kinh doanh, sau khi thu mua thịt cá ở miền Tây bán cho người thị tứ, ông bán ngược lại nhu yếu phẩm về nông thôn. Hệ thống thu mua của ông mở rộng chân rết khắp tỉnh thành, việc buôn bán càng phát đạt. Giới kinh doanh lưu truyền, gần một nửa dân miền Tây ngày đó mua hàng hóa nhu yếu phẩm từ bá hộ Xường.
Trở nên giàu có, dân gian gọi ông là bá hộ Xường. Xường là tên gọi ở nhà của ông, là chữ Tường đọc theo tiếng Hoa. Gia sản của bá hộ Xường tiếp tục phất lên khi ông đầu tư qua bất động sản. Phương thức mua bán của ông khá đơn giản, mua đất, sau đó xây nhà phố rồi cho thuê lại. Bá hộ Xường tìm cách mua nhiều khu đất ruộng, đất hoang giá rẻ rồi đầu tư xây địa ốc để… chờ thời. Nhờ vậy, gia sản của ông phất lên cực thịnh giai đoạn này. Phần lớn nhà cửa trong vùng Chợ Lớn Mới và vài quận lân cận đều là của bá hộ Xường xây cho thuê.
Ông Lý Thanh Liêm bên bức ảnh cụ tổ Xường chụp kỷ niệm cùng vợ con.
Dịch Tam tự kinh để lại cho con cháu
Ông Lý Thanh Liêm (62 tuổi, hiện ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM, cháu đời thứ 5 của bá hộ Xường) kể: “Theo gia phả ghi lại và lời truyền kể của các ông bà đời trước thì ông bá hộ là người chăm nom cho vợ con đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Tính tình ông điềm đạm, không sa đà vào ăn chơi đàng điếm”.
Tài quán xuyến gia đình của bá hộ được minh chứng là ông lần lượt lấy ba bà vợ chính thức, mà cả ba lại là... chị em ruột. Đây là câu chuyện kỳ lạ, bởi giới quan lại, hào phú thời phong kiến, chuyện năm thê bảy thiếp là bình thường nhưng dù có lấy cả chục vợ, hiếm có ai “đánh cả cụm” như bá hộ Xường. Cả ba người vợ chị em này lần lượt sinh hạ cho bá hộ Xường 10 người con.
Tài cầm kỳ thi họa của bá hộ Xường được ghi lại và lưu truyền đến ngày nay. Ông Lý Thanh Liêm cho biết, nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ gần đây đã tìm được mấy tập sách nhỏ do bá hộ Xường viết, ký tên là Phiên Thành Phước Trai tiên sinh, do nhà in Hòa Nguyên Thạch và Văn Nguyên Đường (tại Trung Hoa) in, gồm ba bộ: Ấu học thi diễn nghĩa, Thiên tự văn diễn nghĩa, Tam tự kinh diễn nghĩa.
Đây là những tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc, được bá hộ Xường dịch từ Hán sang Nôm bằng thơ lục bát cho dễ đọc, dễ nhớ. Cứ mỗi một câu Hán - Việt được dịch ra thành hai câu lục bát, cứ liên tục như vậy cho đến cuối bài.
Sau hơn 20 năm gầy dựng sự nghiệp, vui vầy với vợ con và đang ở đỉnh cao, bá hộ Xường đột ngột qua đời vào ngày 21/10/1896 sau một cơn đột quỵ, thọ 54 tuổi. Trước khi mất, bá hộ Xường lập di chúc để lại tài sản cho vợ con.
“Dòng họ Lý hiện nay chỉ còn lại vài người ở Việt Nam. Hiện người cháu đời thứ 4 là Lý Toàn Anh (90 tuổi) làm trưởng tộc. Tuy ông bá hộ để lại một gia sản đồ sộ, nhưng con, cháu ông không mấy người đi theo nghiệp kinh doanh, buôn bán. Ông bá hộ và bà vợ đầu Nguyễn Thị Lâu chỉ có một con trai duy nhất là Lý Thanh Vân cũng không theo nghiệp cha, đa số con, cháu làm công chức. Chỉ có người con trai thứ 6 của bà vợ cuối nối nghiệp. Nhưng biến cố Đại khủng hoảng kinh tế thế giới đầu thế kỷ 20, khiến ông sạt nghiệp”, ông Lý Thanh Liêm nói.
Hiện nay, khu mộ vợ chồng bá hộ Xường nằm trong hẻm 79/30 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú). Mộ ông mang nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Trung Hoa (nhà mồ có mái che, mặt tiền nhà mồ có cửa vòm chính giữa, trên vòm cửa có chữ Lý, hai bên trang trí dây leo hoa lá, trái quả)… Điểm độc đáo là trước mộ có hai tượng người bằng đá đứng hầu. Bên phải là tượng người đàn ông (tên Lương Phước Thắng), cao khoảng 1,5m, khá lực lưỡng, mặc áo dài, đầu đội nón, chân đi giày, hai tay nâng một chiếc hộp. Đối diện là tượng người đàn bà (tên là Kiều Thoại Hương), có nét mặt nhu mì, đầu trần tóc búi, mặc áo dài, chân đi hài, hai tay nâng tách nước…
Con cháu bá hộ Xường hiện nay vẫn còn đông, đa số sống tại TPHCM, một số khác hiện sống ở Pháp, Canada… Mỗi năm đến ngày cúng giỗ, Tết Nguyên đán, con cháu đều tề tựu đông đủ bên lăng mộ để tỏ lòng tri ân.