Hành trình trải nghiệm dương cầm

Nguyệt Minh tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 201. Ảnh: NGÔ TÙNG
Nguyệt Minh tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc năm 201. Ảnh: NGÔ TÙNG
TP - 18 năm, chặng đường còn quá ngắn đối với một đời người, nhưng với “cây pianist” Bùi Vũ Nguyệt Minh đã là một hành trình dài về tinh thần kiên cường, nỗ lực không mệt mỏi để viết tiếp chuyện tình yêu với đàn dương cầm. Cô gái sinh năm 2000 này đang tràn đầy năng lượng để tiếp bước trên những hành trình mới.

Thưởng thức âm nhạc từ lúc 3 tuổi

Dù không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, Bùi Vũ Nguyệt Minh vẫn thấy mình thật hạnh phúc, may mắn vì gặp được nhiều người đặc biệt trong cuộc đời mình, đặc biệt là người mẹ. “Khi chỉ mới 3 tuổi, mẹ đã khéo léo để tôi được thưởng thức âm nhạc. Mẹ tôi muốn đưa âm nhạc vào đời sống của con, muốn những thanh âm cứ vang vọng bên con”, Nguyệt Minh kể và cho biết mẹ là người khá tâm lý với con, bà luôn dạy con xây dựng tính độc lập, tự tìm tòi, phản biện trong mọi vấn đề. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để có một Nguyệt Minh đĩnh đạc như bây giờ.

Nguyệt Minh bắt đầu học pinao từ khi mới là cô nhóc hơn 5 tuổi. Từ 6 tuổi, Nguyệt Minh được cô Nguyễn Thiện Phương Hạnh (lúc bấy giờ là Phó trưởng khoa Piano, Nhạc viện TPHCM) hướng dẫn, kèm cặp. Có thể nói, cô Phương Hạnh là người thầy đã đặt nền móng cho cô bé mẫu giáo Nguyệt Minh ngày nào những khái niệm âm nhạc không chỉ cứng nhắc trong khuôn khổ âm nhạc, mà còn liên quan đến văn hóa, điêu khắc, hội họa, lịch sử... Khi thi vào Nhạc viện (năm 2009), TS. Đặng Ngọc Giang Quân tiếp tục là người trao cho Nguyệt Minh những nền tảng vững chắc về piano cũng như một số thành công đầu đời.

Tại Nhạc viện TPHCM, với sự tận tụy, trách nhiệm của một người bạn lớn, PGS.TS Tạ Quang Đông - Giám đốc Nhạc viện TPHCM trở thành nguồn cảm hứng để Nguyệt Minh lĩnh hội những tri thức âm nhạc mới mẻ. Thầy Tạ Quang Đông luôn thương yêu học trò của mình, luôn để học trò có một bầu trời tự do để bay lượn, tin tưởng, ủng hộ học trò vô điều kiện. Nguyệt Minh cho biết, PGS.TS Tạ Quang Đông giúp cô thử nghiệm những cái mới, cái khó, nhờ đó mà cô có được phong cách đa dạng và khả năng rộng mở như bây giờ. “Thầy Đông định hướng về tác phẩm cho từng chương trình biểu diễn theo xu hướng âm nhạc của từng đối tượng khán giả. Thầy cũng luôn tạo cho tôi cách suy nghĩ độc lập hơn, tránh thụ động”, Nguyệt Minh nói.

Khát khao làm mới chính mình

Bước qua một chặng đường hoạt động nghệ thuật đủ dài, Bùi Vũ Nguyệt Minh nhận định, khó khăn nhất là nghệ thuật không có cái đúng – sai như trong khoa học tự nhiên, mà phụ thuộc nhiều vào tâm trạng của số đông khán giả. Thế nên, mỗi lần biểu diễn ở một quốc gia khác nhau thì người nghệ sỹ phải chủ động biến hóa theo cảm xúc, địa lý, ngoại cảnh, chính trị, theo nền khoa học công nghệ tại quốc gia đó. Tất cả phải được chuyển biến linh hoạt để đem lại món ăn tinh thần phù hợp với nhu cầu thưởng thức của đại đa số công chúng ở đó.

Đang vươn tới những chân trời âm nhạc mới, năm 2016, Nguyệt Minh tính... bỏ nghệ thuật, bỏ những ngón đàn mà cô trau chuốt hơn chục năm đã qua. Nhớ lại ngày ấy, Minh thấy mình như một người đi mà không thấy đích, như chạy trong sương mù, đâu đâu cũng là sương mù. Cô gái tuổi trăng tròn cảm thấy không còn cách nào để kiên trì với nó nữa nên rất muốn từ bỏ, để quan tâm vấn đề khác. “Nhưng nếu từ bỏ ước mơ, tình yêu của mình sớm, thì đó đã không còn là tình yêu. 16 là tuổi là tuổi sẵn sàng để thử thách. Thầy cô, gia đình, bạn bè vẫn bên cạnh mình. Thầy Đông xuất hiện giúp đỡ, cho tôi niềm tin “tuổi thanh xuân không gì là quá muộn, không gì là tuyệt đối”. Thầy vực dậy niềm hy vọng sắp cạn tắt trong tôi. Cứ nỗ lực, cơ hội sẽ đến. Cơ hội không đến từ may mắn, nó đến từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng”, Nguyệt Minh bộc bạch.

Từ thầy dạy, người thân cho đến những người bạn, họ nhìn vào sự nỗ lực của Nguyệt Minh để ủng hộ. Và Minh đã không phụ lòng mong đợi của họ. “Cuộc sống cho đến hiện tại của tôi rất may mắn, dù mình không phải là con người xuất chúng, nhưng mình luôn đong đầy tình yêu cùng sự nỗ lực. Có một gia đình dù không theo truyền thống nghệ thuật nhưng họ luôn ủng hộ, muốn con cháu tìm được một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa, đóng góp tích cực cho xã hội, cho văn chương nghệ thuật”, Nguyệt Minh thổ lộ.

Sau những dấu ấn của một chặng đường đi qua, Nguyệt Minh khát khao muốn thoát khỏi cái bóng chính mình, khám phá thêm nhiều thể loại âm nhạc, tìm nội tâm trong nhiều tác phẩm khác nhau. “Bằng nhiều trải nghiệm khác nhau, mình có thể đưa nhận thức, tình cảm, trái tim vào nhiều sản phẩm âm nhạc khác nhau, để mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nền văn hóa hơn… Tôi muốn tạo nên một Nguyệt Minh đa dạng hơn”, cô học trò vừa bước vào năm học 12, khẳng định.

Để chuẩn bị cho một hành trình mới, Nguyệt Minh quyết định… lắng mình lại. Cô cho biết năm 2018 này “là năm khá tĩnh lặng” để có thể dành nhiều thời gian du lịch khám phá, học thêm nhiều thứ tiếng, nghiên cứu nhiều đề tài… “Đào sâu vốn kiến thức lịch sử, triết học của nhiều nền văn minh không chỉ đáp ứng nhu cầu hiểu biết cá nhân, nó còn giúp tôi mở rộng khả năng biểu diễn bởi nó liên quan tất yếu đến nghệ thuật. Hơn nữa, thời gian này tôi muốn kiếm tìm một bản thân mình mới, bổ sung những điều mình cần bổ sung, xem xét những định hướng âm nhạc mới, tìm kiếm những ý tưởng âm nhạc mới cùng những động lực từ chính các đàn em nhỏ hơn”, Bùi Vũ Nguyệt Minh chia sẻ. “Nếu từ bỏ ước mơ, tình yêu của mình sớm, thì đó đã không còn là tình yêu. Cứ nỗ lực, cơ hội sẽ đến. Cơ hội không đến từ may mắn, nó đến từ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng”, Bùi Vũ Nguyệt Minh.

Chuyến đi khẳng định phong cách

Năm 2015, Nguyệt Minh đến Chicago (Mỹ) biểu diễn, đánh dấu cột mốc giúp cô thiết lập nhiều mối quan hệ mới, bạn bè, giáo sư vẫn hỗ trợ con đường hiện tại. Trong số đó, nhạc trưởng, GS.TS Tom Zelle và Giáo sư, nghệ sĩ piano Alexander Schimpf luôn là những người bạn đồng hành tri kỷ, sẵn sàng hỗ trợ cô hết mình. Nguyệt Minh vô cùng cảm kích khi hành trình của cô có thể gặp được những người bạn lớn như vậy, những người cống hiến hết mình cho xã hội, cho nghệ thuật và giữ được tuổi thanh xuân của mình.

Hành trình trải nghiệm dương cầm ảnh 1

Soloist khách mời của Saigon Philharmonic Orchestra trong chương trình Hòa nhạc năm mới 2018. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, chuyến biểu diễn tại Serbia vào năm 2016 trở thành kỷ niệm đặc biệt với Minh khi lần tiên cô khẳng định được phong cách âm nhạc, một thương hiệu của bản thân – chuyên về Schubert, phong cách âm nhạc Áo. Chuyến đi này giúp cô gái tuổi 16 trở lại với niềm yêu thích trước kia vốn còn hoài nghi, thì nay chính sự đón nhận nồng nhiệt của Giáo sư, của khán giả đã khẳng định chắc nịch niềm tin trước đây, và giúp Minh nhìn nhận ước mơ thực tế, khẳng định định hướng cho tương lai.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.