Hành trình hồi sinh cuộc sống của y tá bị suy tim giai đoạn cuối

Sau khi được ghép tim bán phần, cơ thể chị Tân đã thích nghi dần với sự có mặt của quả tim cơ học và đem lại cho chị Tân một sức cuộc sống khác.
Sau khi được ghép tim bán phần, cơ thể chị Tân đã thích nghi dần với sự có mặt của quả tim cơ học và đem lại cho chị Tân một sức cuộc sống khác.
Cả tuần đi làm, hai ngày cuối tuần, chị Vi Thị Tân (y tá tại Trạm Y tế Mường Lát, Thanh Hóa) lại đi học lớp cao đẳng liên thông nâng cao tay nghề. Chồng làm ở xa, chị Tân vẫn tự mình chăm sóc, dạy dỗ cậu con trai 8 tuổi. Nhịp sống bận rộn của chị dường như không bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của quả tim nhân tạo bán phần được ghép vào lồng ngực cách đây 7 tháng.

Hồi sinh sau 10 năm đau đớn vì suy tim

Đến bây giờ, những ký ức về sự đau đớn do bệnh suy tim giai đoạn cuối vẫn không phai nhạt trong tâm trí chị Vi Thị Tân. Những cơn ho và nôn làm lồng ngực chị như muốn nổ tung vì đau đớn. Ngay đến thở chị cũng thấy khó khăn. Bệnh tim khiến chị phải mổ lấy thai ở tháng thứ 8, và hôn mê suốt 3 ngày đêm sau đó.

Mang bệnh tim 10 năm, đã chuyển sang suy tim giai đoạn cuối, cơ tim giãn lớn, đồng thời có tai biến mạch máu não, chị Tân được điều trị nội khoa theo phác đồ trị liệu tối ưu nhưng không hiệu quả và lâm vào tình trạng nguy kịch.

Giữa những thời khắc tính mạng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết đó, tháng 3/2019, chị Tân đã được ghép tim bán phần (LVAD) tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Đây là phương pháp lựa chọn duy nhất, và cũng là cơ hội cuối cùng cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, đang chờ ghép nhưng chưa có tim hiến tặng cho những bệnh nhân như chị Tân.

LVAD là kỹ thuật mổ tim hở, cấy ghép một thiết bị bơm máu (tim cơ học) vào tim trái. Từ đó thiết bị sẽ bơm máu vào động mạch chủ và hỗ trợ cho quả tim đã suy ở giai đoạn cuối không còn đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa khác. Nhờ vậy bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể sinh hoạt và làm việc trở lại bình thường. Do chi phí lớn, kỹ thuật phức tạp nên cho đến nay tại Việt Nam mới có 2 trường hợp được điều trị bằng phương pháp này, và chị Tân là trường hợp thứ 2.

Hơn 7 tháng qua, cơ thể chị Tân đã thích nghi dần với sự có mặt của quả tim cơ học và đem lại cho chị Tân một sức cuộc sống khác. Trước kia, mỗi lần chị ngất là bé Nguyễn Việt Anh, con trai chị Tân sợ hãi và lo lắng vì không biết làm thế nào giúp mẹ. Còn bây giờ, trong suy nghĩ ngây thơ của cậu bé, điều duy nhất làm “lung lay” tình yêu của cậu đối với mẹ là cảm giác “khó chịu” với việc lúc nào mẹ cũng đeo balo trong đó có máy trợ tim cả ngày lẫn đêm, ngay cả khi ngủ. Bởi với chiếc balo sau lưng, mẹ sẽ ít bế được bé hơn, lúc nằm ngủ balo cũng chiếm 1/3 chiếc giường của 2 mẹ con.

Ghép tim bán phần: Hy vọng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

Cuối tháng 10/2019 vừa rồi, quãng đường đi ô tô hơn 250km về Hà Nội khám lại sau 7 tháng phẫu thuật, khiến cả chị Tân và gia đình thấm mệt. Nhưng khi chị đến khám tại Bệnh viện Vinmec, các bác sĩ đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy y tá Tân: Chị trẻ trung, tươi tắn và đã tăng 5kg sau khi ghép.

Hành trình hồi sinh cuộc sống của y tá bị suy tim giai đoạn cuối ảnh 1 Hồi phục sức khỏe, chị Vi Thị Tân chia sẻ niềm vui với bác sĩ Phạm Tuyết Trinh (thứ 2 từ phải sang) và các CBNV khoa Tim mạch Vinmec

Các kết quả xét nghiệm máu đều rất tốt, chị Tân đã vượt qua test kiểm tra đi bộ 450m trong vòng 6 phút, tương tương với người bình thường. Chúng tôi đã tiêm phòng cúm để chị Tân tránh được nguy cơ mắc bệnh hô hấp có thể ảnh hưởng đến tim” – BS Phạm Tuyết Trinh, người đã chăm sóc cho chị Tân từ những ngày đầu tại bệnh viện Vinmec cho biết.

Hành trình hồi sinh cuộc sống của y tá bị suy tim giai đoạn cuối ảnh 2 Tái khám đầu tháng 10/2019 sau 7 tháng phẫu thuật, chị Tân đã được tiêm phòng cúm tại Bệnh viện Vinmec nhằm tránh nguy cơ mắc bệnh hô hấp có thể ảnh hưởng đến tim

Ở tuổi 34, sau 10 năm điều trị suy tim giai đoạn cuối, quả tim cơ học đã hồi sinh cuộc sống cho chị, đem lại cho chị một cơ hội và những ước mơ. Nửa năm qua, đều đặn hàng ngày, chị Tân tự mình chạy xe máy đi làm tại Trạm Y tế thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), không nghỉ phép ngày nào, trừ khi đi khám bệnh. Cuối tuần, chị lại theo học lớp cao đẳng điều dưỡng liên thông. Cuộc sống bận rộn với công việc cơ quan, học hành, chăm sóc con khiến chị nhiều lúc không nhớ đến quả tim nhận tạo trong lồng ngực.

Tôi đã may mắn có cơ hội được hồi sinh. Tôi mong mình có thể khỏe mạnh mãi như bây giờ để nhìn thấy con lớn lên, trưởng thành; để thấy những bệnh nhân suy tim ở Việt Nam có hy vọng được chữa trị và cải thiện chất lượng cuộc sống như tôi” – y tá Vi Thị Tân chia sẻ mơ ước giản dị.

Hành trình hồi sinh cuộc sống của y tá bị suy tim giai đoạn cuối ảnh 3 Ổn định sức khỏe, hiện tại chị Vi Thị Tân hàng ngày đi làm bằng xe máy

Theo thống kê của Hội Tim mạch VN, mỗi năm có hàng ngàn người Việt Nam phát hiện suy tim, 50% bệnh nhân tử vong sau 5 năm phát hiện. Sau 9 năm thực hiện được ghép tim trên người (từ tim người chết não hiến tặng), đến nay mới có 29 người được ghép tim ở VN. Nếu không thể cấy ghép tim nhân tạo và không có tim hiến tặng, bệnh nhân rất khó có cơ hội sống.

 “Trong bối cảnh có rất ít ca ghép tim do thiếu nguồn tạng hiến từ người chết não ở Việt Nam, LVAD sẽ giúp cứu sống người bệnh suy tim giai đoạn cuối, cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Do đó, Vinmec đã đầu tư phát triển kỹ thuật này để đem lại thêm cơ hội điều trị cho người bệnh suy tim” – GS Đỗ Doãn Lợi, cố vấn cao cấp Trung tâm Tim mạch Vinmec chia sẻ về định hướng phát triển các kỹ thuật điều trị suy tim tại Vinmec.

Với sự hỗ trợ của Đại học PENN – top 8 Đại học tinh hoa hàng đầu nước Mỹ, Vinmec đang xây dựng Trung tâm xuất sắc về Tim mạch phát triển toàn diện về chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nhân lực và vận hành theo các tiêu chuẩn cao nhất thế giới đang áp dụng tại Mỹ. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2020, Vinmec sẽ phát triển đơn vị xuất sắc trong lĩnh vực suy tim; tiếp đến phát triển các lĩnh vực khác như bệnh mạch vành..

MỚI - NÓNG