> Nước mắt SEA Games: Lực sĩ và căn chung cư trên giấy
> Chia tay người yêu, ở lại với cử tạ
Đi xe máy gần 20 km từ Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao Hải Dương về đến nhà, Thiết chạy đến ôm lấy con gái. Bé Phương Anh thấy mẹ thì tíu tít cười, rồi sà ngay vào lòng. Chị hôn cô con gái nhỏ, khen con vắng mẹ cả ngày nhưng không quấy khóc, thấy mẹ về đến nhà là quấn lấy ngay.
Giải nghệ năm 2010 sau hơn 10 năm gắn bó với cử tạ, Thiết chuyển hẳn sang làm huấn luyện viên của Trung tâm huấn luyện Thể dục thể thao Hải Dương. "Cô gái vàng" một thời của làng cử tạ Việt Nam giờ đây đã có một gia đình yên ấm. Gần hai năm nay, vợ chồng Thiết và con vẫn sống cùng nhà mẹ đẻ chị ở thôn Cập Thượng xã Tiền Tiến, Thanh Hà, Hải Dương.
Có quá khứ huy hoàng nhưng cuộc sống mới của Thiết cũng đầy thử thách. Vì đặc thù của thể thao nên chị không có nhiều thời gian bên con để chăm sóc cho bé. Ngoài những ngày đi làm xa nhà tới 20 km, chị cũng hay phải dẫn học trò đi thi đấu ở các tỉnh thành khác. Chồng chị là bộ đội, đóng quân ở Quảng Ninh, cả tháng mới về thăm vợ con được một lần.
Bé Phương Anh mới tròn một tuổi, đang chập chững tập đi. Thiết kể, hôm sinh con gái, sáng còn huấn luyện trên trung tâm, buổi trưa đã vỡ ối nên chị được đưa thẳng đến Bệnh viện Phụ sản Hải Dương. Đến giờ, nhiều học trò thi thoảng vẫn nhắc lại chuyện huấn luyện viên suýt sinh trên sàn tập. Thiết đùa, có lẽ vì thế nên con gái thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, ngoan và không bao giờ khóc khi mẹ đưa "quân" đi thi đấu.
Khi con gái được 6 tháng tuổi, Thiết cùng các học trò đi thi đấu dưới Hải Phòng, rồi vào tận Nha Trang. Có lần đưa đoàn vận động viên xuống Hải Phòng thi đấu gần một tuần, nhớ con gái quá không chịu được, chị bắt xe tranh thủ về thăm con từ trưa đến chiều. Chị bế con ra rìa đường chơi, chỉ chờ xe đến thì vội vã trao con cho bà ngoại rồi nhảy lên xe, con khóc mẹ cũng khóc theo.
Thấy mình may mắn vì còn được gặp con hàng ngày, Thiết chạnh lòng nghĩ đến những huấn luyện viên chị từng quen biết. Trước mỗi kỳ đại hội thể thao hay SEA Games, họ phải mang con nhỏ đi tập huấn cùng, hoặc xa con cả năm trời mới được gặp. "Biết là vất vả nhưng đành chấp nhận bởi công việc của huấn luyện viên luôn cần rạch ròi giữa công và tư. Lúc ở nhà thì tôi dành toàn bộ thời gian cho con, nhưng khi đã đến với công việc thì chỉ còn biết sàn tập và sàn đấu mà thôi", chị tâm sự.
Niềm vui nhỏ nhoi sau mỗi giờ làm của chị là được chăm sóc cô con gái đang chập chững tập đi. Ảnh: Hoàng Phương. |
Công việc bận rộn nên Thiết phải nhờ mẹ chăm bẵm con gái. Nhắc đến mẹ, chị nghẹn ngào nước mắt: "Mẹ là người thông cảm và thấu hiểu nhất cho mình. Thành tích hơn 10 năm qua của tôi đến 70% là nhờ cả vào mẹ". Trước đây, mỗi lần bị chấn thương, đau đớn, chị vẫn cắn răng chịu đựng và nói dối mẹ chỉ bị va đập nhẹ. Đêm ngủ cùng, bà biết chị đau nên lặng lẽ lấy chai thuốc xoa bóp cho con gái, còn Thiết nằm giả vờ ngủ mà nước mắt tuôn trào.
Nghe con gái nói, bà Phạm Thị Hồng chỉ cười, bảo chắc vì mình đặt tên con là Thiết nên nghiệp cử tạ vận vào người chị. Bà giải thích, vì cô chị tên là Thắm nên bà đặt tên cô con gái út là Thiết, chứ không liên quan gì đến sắt thép đâu. Thiết đến với cử tạ cũng do duyên số. Xa nhà từ năm 13 tuổi, lúc đầu chị thi đấu ở bộ môn bơi lội. Huấn luyện viên Hoàng Kim Cúc phát hiện ra tố chất cử tạ ở Thiết nên chuyển cô gái 16 tuổi sang đội tuyển cử tạ quốc gia.
Ngoài mẹ thì chồng cũng là "hậu phương" vững chắc của chị. Là phận nữ, lại tham gia bộ môn thể thao mạnh mẽ, các bài tập nặng nhọc kéo theo thân hình to lớn, chị hay bị trêu khi yêu anh. Mất một năm tìm hiểu, hai người quyết định đến với nhau vào cuối năm 2011.
Chị bảo: "Anh ấy là bộ đội phải xa nhà, mình là huấn luyện viên cũng luôn phải dành thời gian cho học trò, nhất là những đợt thi đấu cao điểm. Nếu người này không đặt mình vào hoàn cảnh của người kia thì làm sao thấu hiểu cho nhau được". Mỗi lần có lịch thi đấu, chị đều bàn trước với chồng để sắp xếp cuộc sống riêng tư. May mắn là anh luôn hiểu cho công việc và tính cách của vợ. Anh còn tự tay chuẩn bị đồ ăn cho vợ, rồi mua hoa quả, bánh kẹo để chị và đồng đội lên đường đi đấu.
Vợ chồng Thiết trong ngày cưới. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài thô ráp của một người từng chơi cử tạ, Thiết là người sống nội tâm và tình cảm, thậm chí nhiều lúc yếu lòng. Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh Thiết ngồi lặng lẽ, nước mắt tuôn trào sau khi đoạt 3 HC vàng, phá một kỷ lục quốc gia và SEA Games.
"Cứ ngẫm mà xem, người phụ nữ càng mạnh mẽ thì lại càng mong manh, càng giàu nghị lực vượt qua tất cả thì lại càng cần sự chở che. Nhưng họ biết biến sự chở che ấy thành một phần sức mạnh sống chứ không phải lấy đó làm lý lẽ sống như những cô gái yếu đuối khác", chị chia sẻ. Nhờ sự chở che của gia đình, "cô gái vàng" ấy đã biến nó thành một phần sức mạnh và ý chí, như những năm tháng chị còn trên sàn đấu.
Giành 38 huy chương vàng ở các kỳ đại hội thể thao, SEA Games, chị quyết định giã từ sự nghiệp vận động viên bởi những chấn thương dai dẳng. "Vận động viên thể thao thành tích cao khi thi đấu luôn muốn giành huy chương vàng để lá cờ Tổ quốc lên cao hơn cờ các nước khác. Dù còn muốn cống hiến nữa nhưng cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc dừng", cô gái tự nhận mình có giọng nói trầm và "nặng như cử tạ" giãi bày.
Chuyển sang làm huấn luyện viên, cô gái vàng một thời muốn mang những kinh nghiệm trên sàn đấu truyền cho các thế hệ sau. Chị tâm niệm: "Dù ở sàn thi đấu hay sàn tập, làm vận động viên hay huấn luyện viên thì điều quan trọng là luôn phải cống hiến hết mình".
Thiết tâm sự, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng so với nhiều vận động viên khác, chị vẫn còn may mắn hơn vì có gia đình luôn ở bên. "Ai cũng muốn mình được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Nhưng trải nghiệm nhiều màu hồng quá thì dễ bị lạc lối. Không có chông gai, gian khổ thì không thể trưởng thành", chị nói.
Theo VnExpress