Hành hạ trẻ: Thiếu kiên quyết gián tiếp gây nên nỗi đau

Hành hạ trẻ: Thiếu kiên quyết gián tiếp gây nên nỗi đau
TP - “Vụ bảo mẫu Nhờ đạp vỡ tim một cháu bé xảy ra chưa lâu lại đến lượt bảo mẫu trường mầm non Phương Anh hành hạ, ngược đãi trẻ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các ngành, địa phương và các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ” - ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM nói.

> Mẹ bảo mẫu hành hạ trẻ xin tha thứ cho con
> ‘Nước mắt tôi ứa ra khi thấy họ hành hạ các bé’

Các cháu đang sinh hoạt tại nhóm giữ trẻ Hạnh Phúc, Búp bê Xinh (quận 9). Ảnh: TT
Các cháu đang sinh hoạt tại nhóm giữ trẻ Hạnh Phúc, Búp bê Xinh (quận 9). Ảnh: TT.

Ông Hoàng thừa nhận Sở GD&ĐT trách nhiệm. Bên cạnh sự thiếu kiên quyết của UBND phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã gián tiếp gây nên nỗi đau cho những đứa trẻ đáng thương.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 19/12, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, Sở GD&ĐT đã giải trình với Bộ GD&ĐT. Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, chủ tịch UBND quận Thủ Đức, sau vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh chết cháu Long, UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với 12 phường tập trung rà soát. Cơ sở Phương Anh cũng bị kiểm tra nhưng sự việc đau lòng này vẫn diễn ra chứng tỏ các phường làm chưa kiên quyết

“Cái khó hiện nay là hoạt động của các nhóm trẻ gia đình theo nhu cầu người dân, nhất là nhu cầu gửi con em của công nhân lao động rất lớn. Công nhân thì làm theo ca, các trường lại hoạt động trong giờ hành chính. Trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi, trong khi độ tuổi từ 6 đến 18 tháng nhu cầu rất nhiều nhưng khả năng đáp ứng không có, không có chỗ gửi. Thành phố hoặc trung ương phải có một giải pháp nào đó” - ông Nhân bày tỏ.

Theo ông Trần Văn Chí, Phó chủ tịch phường Phước Bình (quận 9), trên địa bàn phường ngoài trường mầm non công lập còn có 4 nhóm giữ trẻ tự phát có cấp phép với tổng số khoảng hơn 100 cháu.

Hầu hết các trường đều hoạt động từ 3 năm trở lên và đều được phường quản lý khá chặt chẽ. Cụ thể phường kiểm tra khá kỹ các tiêu chuẩn để cấp phép giữ trẻ như chuyên môn, bằng cấp, cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Hằng ngày các thức ăn nấu đều phải lưu mẫu 24 giờ, hằng tháng chủ nhóm phải họp chuyên môn cùng với phòng giáo dục, chịu sự kiểm tra định kỳ của trung tâm y tế dự phòng quận và kiểm tra đột xuất của phường.

Bà Trần Thanh Nga, chủ nhóm giữ trẻ Hạnh Phúc (đường 6, phường Phước Bình) cho biết, nhóm của bà có 13 người, nhận giữ từ 45- 50 cháu có độ tuổi từ 16 tháng đến 36 tháng. Nhóm đã hoạt động được 21 năm và chưa xảy ra điều tiếng gì.

Cô giáo Bùi Thị Hoàng, phụ trách nhóm trẻ Búp Bê Xinh (đường 4, phường Phước Long, quận 9) thì bức xúc: “Sự việc hành hạ trẻ em làm cho những người làm mầm non như chúng tôi rất buồn. Hy vọng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn, cần phải có sự phối hợp của nhiều cấp như chính quyền địa phương quản lý, các trường mầm non mẫu giáo trên địa bàn cần phối hợp để giúp đỡ về chuyên môn cho các nhóm giữ trẻ tư nhân.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho các bà mẹ về cách chăm sóc, bảo vệ con nhằm giúp các bà mẹ tránh được việc gửi con ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu.

Ông Sơn cũng cho biết, hiện việc triển khai xây dựng nhà trẻ trong các khu công nghiệp - Khu chế xuất đang được tiến hành. Với một trường mầm non đã hoàn thành.

Có 3 khu đang tiến hành các thủ tục xây dựng. Những khu còn lại trong thời gian tới phải dành ít nhất 5.000m2 cho việc xây dựng trường mầm non. Các đơn vị xí nghiệp không nằm trong các khu nói trên cũng dành quỹ đất cho việc xây dựng trường, đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG