Hàng vạn giảng viên lên đường coi thi THPT Quốc gia 2019

Cán bộ, giảng viên TPHCM lên đường đi coi thi THPT QG 2019
Cán bộ, giảng viên TPHCM lên đường đi coi thi THPT QG 2019
TPO - Trong hai ngày cuối tuần (22 và 23/6), hàng vạn giảng viên từ các trường đại học "tay xách, nách mang" lên đường đến các địa phương để coi thi.

Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm tăng lực lượng phục vụ kỳ thi và đặc biệt là tăng cường giám sát, hạn chế gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia tại địa phương thông qua các trường đại học được Bộ GD&ĐT áp dụng những năm gần đây.

Bao xe, bao vé cho cán bộ đi coi thi

Kỳ thi năm nay, các trường đại học tại TPHCM tiếp tục được Bộ GD&ĐT giao trọng trách đi các tỉnh để phối hợp cùng địa phương tổ chức coi thi THPT Quốc gia. Các khu vực coi thi kéo dài từ Tây Nguyên, một số tỉnh Nam Trung Bộ và toàn bộ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, do đó, có trường di chuyên xa nhất cũng 500 km.

Trường ĐH Mở TPHCM năm nay được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ coi thi ở tỉnh Lâm Đồng với 17 điểm thi. PGS- TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đợt này, trường cử gần 400 cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi.

“Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, trường đã nhiều lần cử cán bộ lên tiền trạm địa bàn, làm việc với địa phương, nhất là các vấn đề ăn, ở để làm sao an toàn nhất, tránh các sự cố về sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi”, ông Hà nói. Cũng theo ông Hà, sáng ngày 23/6, gần 400 cán bộ, giảng viên sẽ lên xe đi làm nhiệm vụ.

Hàng vạn giảng viên lên đường coi thi THPT Quốc gia 2019 ảnh 1

Cán bộ, giảng viên trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM lên đường làm nhiệm vụ coi thi ở Bình Thuận ngày 22/6

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, năm nay trường được giao làm nhiệm vụ coi thi tại 19 điểm thi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tương ứng với hơn 600 cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi tại địa phương này.

Theo ông Quốc Anh, để thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị phối hợp chủ trì kỳ thi, nhà trường đã tổ chức các lớp tập huấn cán bộ coi thi với các nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi. Đồng thời cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ là phó trưởng điểm, thanh tra, giám sát tại các điểm thi. Bên cạnh đó, có 7 cán bộ làm công tác coi thi tại huyện Côn Đảo cũng được Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu bao vé máy bay.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM lần đầu tiên nhận nhiệm vụ phối hợp tổ chức kỳ thi thi THPT Quốc gia và đồng thời sẽ chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Vĩnh Long. PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã huy động 525 cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ trong kỳ thi.

“Ngày 22/6 sẽ có 43 người của trường là lãnh đạo điểm thi và thanh tra đi Vĩnh Long trước. Cán bộ, giảng viên của trường đều được bố trí ở tại nhà nghỉ/khách sạn gần các điểm thi, thuận tiện cho việc đi lại. Trước đó, nhà trường đã cử tổ công tác đến tất cả các điểm thi tại tỉnh Vĩnh Long để tiền trạm, chuẩn bị mọi công tác hậu cầu, khảo sát chỗ ăn ở, đi lại cho cán bộ, giảng viên làm công tác thi tại địa phương này”, ông Nhựt nói.

Chăm sóc “tận răng” cho thí sinh

Năm đầu tiên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM được phân công nhiệm vụ coi thi ở địa phương khá xa so với các năm trước là tỉnh Bình Thuận. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết nhà trường cử gần 400 cán bộ, giảng viên coi thi, giám sát thi tại 13 điểm thi trên địa bàn Bình Thuận. Đến nay, việc tập huấn, chuẩn bị cơ sở vật chất, liên hệ nơi ăn chốn ở cho giảng viên đã hoàn tất.

“Vào ngày 22/6 tới, các cán bộ coi thi của trường tại những địa bàn xa như sẽ di chuyển trước, sau đó sẽ đến các điểm thi gần. Đồng thời tuần tới, trường sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn để siết chặt quy chế và tiếp tục nhắc lại các vấn đề quan trọng vào ngày 23/6 để tất cả cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra đều nắm rõ phần việc của mình. Sau mỗi buổi thi sẽ có cuộc họp rút kinh nghiệm để kịp xử lý các tình huống phát sinh”, ông Sơn nói.

Hàng vạn giảng viên lên đường coi thi THPT Quốc gia 2019 ảnh 2

Cũng theo ông Sơn trong tuần tới, nhà trường và Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận sẽ có những buổi gặp gỡ thêm để thống nhất, giải quyết một số vấn đề liên quan đến công tác coi thi, chấm thi. Về phần thí sinh, UBND tỉnh Bình Thuận, Sở GD&ĐT tỉnh cùng lãnh đạo nhà trường đã làm việc với nhau để đưa ra nhiều kế hoạch ứng phó với điều kiện thời tiết xấu, hỗ trợ thí sinh tại đảo Phú Quý vào đất liền dự thi cũng như các kịch bản có thể xảy ra trong quá trình thi…

Trường ĐH Lạc Hồng năm nay thực hiện nhiệm vụ coi thi ở 16 địa điểm tại tỉnh Bình Dương với hơn 10.925 thí sinh dự thi. TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đợt này, trường cử 341 người tham gia công tác gác thi, trong đó có 8 phó chủ tịch chuyên môn 8 thanh tra, 75 giám sát, 250 cán bộ coi thi.

“Đến hiện tại, trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các cán bộ coi thi để nắm kỹ quy chế. Bên cạnh đó, để động viên thí sinh, thí sinh khi vào phòng thi sẽ được trường ĐH Lạc Hồng tặng mỗi em một cây bút chì 2B để các em tô trắc nghiệm”, TS Quỳnh nói.

Hàng vạn giảng viên lên đường coi thi THPT Quốc gia 2019 ảnh 3

Trường ĐH Lạc Hồng tập huấn cho cán bộ coi thi

Trong khi đó, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được phân công phụ trách phối hợp coi thi 2 tỉnh với 477 cán bộ, giảng viên tham gia. Trong đó, công tác thi tại Đắk Lắk (416 người) và Phú Yên (61 người). PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết thầy cô trong trường đều chọn phương tiện máy bay để về các tỉnh, chỉ có khoảng 100 người đi bằng ôtô và một số tự đi bằng xe cá nhân.

“Ngoài kinh phí đi lại địa phương cấp, nhà trường có hỗ trợ thêm 1,2 - 2,2 triệu đồng/người (tùy vị trí công việc) nên các thầy cô đều tự chi thêm tiền mua vé máy bay đồng thời kết hợp tổ chức cho cán bộ đi du lịch hè tại địa phương sẽ coi thi đã lên đường từ ngày 20/6”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, đến thời điểm này mọi vấn đề công tác coi thi đã được chuẩn bị sẵn sàng song trường lo lắng nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. “Do đó, đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm trong thời gian diễn ra kỳ thi đối với cán bộ làm công tác thi, nhà trường yêu cầu trưởng nhóm đặt cơm cho người dân nấu giúp”, ông Dũng nói.

Theo tin từ Sở GD&ĐT TPHCM, kỳ thi THPT quốc gia năm nay TPHCM có 71.000 thí sinh dự thi tại 111 điểm thi là các trường THCS, THPT, đa số đều có gắn camera. Trong đó co 62.620 thí sinh là học sinh các trường THPT, 8.420 thí sinh là học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.

Năm nay, ngoài việc huy động các cán bộ quản lý, giáo viên có đủ chuẩn, phẩm chất làm công tác coi thi, Sở cũng phối hợp với 6 trường đại học thực hiện công tác này là ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Y dược TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Hiến và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

MỚI - NÓNG