Ngày 25/10, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã có báo cáo kết quả điều tra hiện tượng ngao chết tại huyện Hải Hà gửi UBND tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo nêu rõ, kết quả phân tích mẫu bệnh cho thấy, không phát hiện thấy các tác nhân gây bệnh Perkinsus marinus và Perkinsus olseni thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch theo Thông tư số ON2016/1T-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT; không phát hiện vi rút OsHV-I var; Abalone herpesvis và ký sinh trùng Bonamia spp là những tác nhân vi sinh vật thường gây chết cho ngao, nghêu, hàu; định lượng vi khuẩn Vibrrio sp không cao quá mức bình thường (trừ mẫu ngao tự nhiên).
Căn cứ kết quả điều tra, phân tích xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Sở NN&PTNT kết luận: Ngao nuôi của hộ bà Hiền chết không phải do tác nhân kí sinh trùng gây bệnh và các tác nhân vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng thường gây chết nhiều cho nghêu, ngao, hàu; cần tiếp tục điều tra nguyên nhân do yếu tố tác động môi trường, trên cơ sở xem xét diễn biến kết quả quan trắc môi trường nước, trầm tích khu vực nuôi tại thời điểm trước, trong và sau khi có hiện tượng ngao chết bất thường.
Trước đó, ngày 24/10, Tiền Phong có bài phản ánh việc hàng trăm tấn ngao của hộ gia đình bà Trần Thị Hiền trú tại xã Quảng Điền, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) bất ngờ chết hàng loạt sau 1 đêm. Sự việc đã được UBND huyện Hải Hà báo cáo lên UBND tỉnh và các sở ban ngành có liên quan tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục thú ý vùng 2 - Cục thú y phân tích, xét nghiệm.
Hộ gia đình bà Trần Thị Hiền có diện tích nuôi ngao lớn nhất vùng, khu vực ngao chết có diện tích gần 24ha nằm cách ống xả thải của Khu công nghiệp Texhong khoảng 1km. Người dân nghi ngờ ngao chết hàng loạt là do nước xả thải.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết: “Rất khó để có thể khẳng định ngao chết do đâu, nếu không phải do dịch bệnh thì phải kiểm tra các điều kiện khác. Riêng việc xả thải của khu công nghiệp đã có các thiết bị quan trắc môi trường của Sở TN&MT giám sát. Chúng tôi chỉ quản lý tại địa phương về mặt an ninh trật tự và một số vấn đề khác”.
Trong văn bản Sở NN&PTNT gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, sở này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì quan trắc các yếu tố môi trường (nước, trầm tích đáy) tại khu vực ngao nuôi bị chết để tìm nguyên nhân.