Thiếu nữ vùng cao. Ảnh: Vũ Hồng Quang |
Từ ngã ba Mađagui Quốc lộ 20, rẽ theo tỉnh lộ 721 chừng 40 km là đến Cát Tiên - Huyện xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng. Người Mạ - Chủ nhân lâu đời của vùng đất này lưu truyền truyền thuyết: Chàng thợ săn giương cung bắn vào khối hình trụ màu trắng lấp lánh của Thần nước khiến nước òa tuôn ra.
Thần giận dữ tung dòng nước cuồn cuộn đuổi theo chàng thợ săn. Khi chàng chạy nhanh nước tuôn đổ thành thác ghềnh, chạy chậm thì nước tụ thành bàu... Đột nhiên vị thần và chàng thợ săn nhìn thấy các nàng tiên xinh đẹp khỏa thân đùa nghịch, dạo chơi. Họ như bị chôn chân tại chỗ và dòng nước cứ thế tuôn trào thành sông Đồng Nai. Từ đó, vùng thượng nguồn của dòng sông - nơi các nàng tiên tắm có tên gọi Cát Tiên.
Các thác nước trong truyền thuyết ấy hiện vẫn ngày đêm tuôn trào dòng nước trắng xóa trông thật hùng vĩ với các tên gọi: thác Trời, thác Dốc khỉ, thác Mỏ vẹt... Và, vẫn còn đây bàu Sen trắng ướp hương thơm cả khu rừng; bàu Chim với hàng trăm loài ríu rít, chao liệng; bàu Sấu với thảm thực vật ngập nước phong phú rất thích hợp cho loài cá sấu xiêm. Năm 2005, Ban Thư ký công ước Ramsar quốc tế tại Switzeland đã công nhận bàu Sấu là vùng đất ngập nước thứ 1449 của thế giới, có tầm quan trọng quốc tế.
Đôi vú được khắc trên cầu thang. Ảnh: Kim Anh |
Kỳ bí hang Thoát y
Vượt qua các bãi Nai, Bò tót, bàu Chim, bàu Sấu sẽ tới một vùng rừng rậm rạp và lẩn khuất trong rừng là hang Thoát y huyền bí. Theo truyền thuyết, hang có 3 cửa, mỗi cửa có 2 con cá sấu lớn, vẩy mốc trắng, mắt xanh lè canh giữ. Khi bước vào hang phải hoàn toàn khỏa thân và chỉ được mang theo một ngọn đuốc bằng tre, nứa.
Có dịp chiêm ngưỡng những đền thờ linh thiêng, nữ thần mỹ miều song cũng rất phồn thực ấy, chúng tôi mới cảm nhận được triết lý sâu xa trong quan niệm về cái đẹp thánh thiện của cư dân nơi đây. Đến tận hôm nay vẫn còn một số phụ nữ Mạ, Stiêng... (ngay cả những thiếu nữ trinh nguyên) vẫn giữ tục để ngực trần. Trên đầu những chiếc thuyền độc mộc hay cầu thang nhà sàn, người ta thường khắc những đôi vú khá sinh động để ai được chiêm ngưỡng hay chạm vào sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Và còn rất nhiều điều kỳ bí ở vùng đất thiêng Cát Tiên để các nhà nghiên cứu khám phá và du khách mặc sức tưởng tượng. |
Người nào mang trong tim tình yêu chung thủy và thành tâm cầu xin điều tốt lành mới có thể tìm được đường ra khỏi hang, bằng không sẽ làm mồi cho thú dữ. Ngoài cửa hang có bàu nước trong như ngọc, dưới đáy là cát trắng trộn lẫn những vảy vàng, vảy bạc. Khi rời bàu nước, cơ thể sẽ trở nên tuyệt đẹp bởi được “đính” nhiều vảy vàng, vảy bạc mỏng mảnh, sáng lấp lánh.
Kỳ vọng mở những tour du lịch hấp dẫn đến miền đất kỳ thú này, lãnh đạo ngành du lịch và huyện Cát Tiên đã mở chuyến “thám hiểm” tìm hang Thoát y. Sau gần một ngày lội suối băng rừng, “làm mồi” cho đỉa và vắt, chúng tôi đến một cửa hang chằng chịt dây leo.
Lối vào hang hẹp và tối om. Đang men theo các gờ đá trơn trượt xuyên vào lòng đất, chúng tôi chợt bàng hoàng bởi đàn dơi dày đặc vùn vụt bay ra. Có người loạng choạng suýt ngã bởi nhiều con dơi va vào người. Trong ánh sáng nhập nhoạng của đèn pin, những hình ảnh thiên tạo trên vách đá thật huyền ảo. Vài mươi phút sau, chúng tôi trở ra theo một cửa hang khác, lòng chợt thấy an bình, thanh thản lạ thường.
Lá vàng có hình nữ thần - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng |
Những lá vàng độc đáo mang hình dáng nữ thần
Rời hang Thoát y, thuyền độc mộc xuôi dòng cập bến thánh địa Cát Tiên - khu đền đài uy nghiêm, hoành tráng kéo dài suốt 20 km với trên 20 đền tháp, mộ táng của các hoàng đế vương quốc Phù Nam xưa, trong đó có 1.140 hiện vật bằng vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm sứ...
Theo TS Nguyễn Văn Long, trọng tâm của đền là cặp ngẫu tượng Yoni – Linga (bộ phận sinh dục nam và nữ - PV). Khi hành lễ, nước được dội lên Linga - Yoni rồi theo vòi chảy ra máng nước thiêng phía bắc. Đó là nước thánh được các tín đồ sử dụng để cầu mong sự an lành, sức khỏe và nhiều con cái.
Linga lớn nhất Đông Nam Á |
Thánh địa có hàng chục bộ linga - yoni, đặc biệt là áo linga bằng đồng, hộp bạc, hộp gốm hình linga cùng với các linga nhỏ bằng đồng và bằng sắt, là loại hình hiện vật độc đáo, mới lạ, lần đầu được biết đến trong các di tích KC ở Đông Nam Á; Linga bằng đá xanh lớn nhất Đông Nam Á và linga bằng thạch anh trong suốt có độ thấu quang - báu vật độc nhất vô nhị; hàng trăm bức dập kim loại là pho sử viết trên vàng vô cùng thú vị và hấp dẫn.
Hình vẽ trên các lá vàng như mê cung của các thần và những nhân vật linh thiêng Siva, Visnu, Brahma, Uma, Ganesa, tu sĩ, vũ nữ, người khỉ, người nhiều đầu nhiều tay, rắn bảy đầu..