Hàng nghìn vụ cháy, khoảng trống trách nhiệm

Vụ cháy quán Karaoke trên đường Thái Tông Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Vụ cháy quán Karaoke trên đường Thái Tông Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Ðại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trong thời gian trên, cả nước đã xảy ra hơn 13 nghìn vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại tài sản ước tính 6.500 tỷ đồng và 6 nghìn hecta rừng.

Viện dẫn 2 vụ việc nông dân gây cháy rừng ở Hà Tĩnh, ĐB Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho đây là những vụ việc đau lòng, khi người dân không đủ kiến thức nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả, chúng ta mất rừng còn người nông dân đáng thương phải vào tù.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, hiện cả nước vẫn còn 2.662 công trình nguy hiểm về cháy, nổ, đặc biệt, đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa được nghiệm thu PCCC. “Tại sao lại có tình trạng này? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ?”, bà Xuân đặt ra hàng loạt câu hỏi và nhắc lại vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội 3 năm trước, gây hậu quả rất thương tâm. “Thành phố Hà Nội có hàng ngàn quán karaoke như vậy, tương tự là các nhà hàng, nhà nghỉ, khu chợ… Có hay không tiêu cực trong hoạt động cấp phép, trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các loại hình dịch vụ này?”, bà Xuân nêu. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đặt vấn đề: hàng ngàn vụ cháy, hàng trăm người bị thiệt mạng, nhưng đã có bao cán bộ bị kỷ luật, mất chức, bị xử lý trách nhiệm? Theo bà, việc xử lý trách nhiệm thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm. ĐB Xuân đề nghị có giải pháp đích đáng để lấp đầy lỗ hổng về nhận thức cũng như những khoảng trống về trách nhiệm.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng phòng chống cháy nổ hiện nay để nhận ra những lỗ hổng phải xử lý, cần phải truy trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đó là những lỗ hổng trong hệ thống văn bản hướng dẫn. Còn lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ, cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân thì bảo “chúng tôi không biết”. Cơ quan chức năng khẳng định có kiểm tra, giám sát và rất quan tâm, nhưng những sai phạm trong cháy nổ thì được xử lý rất ít.

“Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì đang có vấn đề đổ lỗi. Trên đổ lỗi dưới không chấp hành, dưới quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi trong khi chúng ta truy xét trách nhiệm. Tôi đề nghị chúng ta hãy nhìn thẳng vào các tồn tại và phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện. Và hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn”, bà Hoa nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra nhiều nguyên nhân nhưng không thấy nguyên nhân nào đánh giá rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các ngành, địa phương. “Tôi đọc không thấy lãnh đạo nào, quan chức lớn nào bị xử lý. Hầu hết các vụ rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ. Tôi cảm giác như xử lý không tương xứng với các đám cháy”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, cử tri đánh giá, phải chăng, việc cháy không xảy ra với lãnh đạo các cấp, các ngành nên không có trách nhiệm gì, chỉ có người dân chịu thôi. Nếu nguyên nhân của đám cháy do thiên nhiên thì có thể miễn trách nhiệm nhưng nếu do con người thì dù vô ý hay cố ý đều có trách nhiệm.

“Anh lơ là, không quản lý, buông lỏng quản lý chưa nói đến đoạn có dã tâm, độc ác, phóng hỏa, trả thù nhau, tiêu diệt lẫn nhau”, ông Nhưỡng nêu và cho biết, ông nhận được phản ánh cử tri có trường hợp đốt chợ để phục vụ lợi ích nhóm, xây dựng chợ khác. “Vô cùng đau lòng. Nếu thực sự như vậy, chúng ta thấy cháy không còn là vấn đề sơ suất, chập điện mà do chính sự dã tâm và độc ác”, ông Nhưỡng nói.

“Ðáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm thì đang có vấn đề đổ lỗi. Trên đổ lỗi dưới không chấp hành, dưới quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành. Ðây là văn hóa đổ lỗi trong khi chúng ta truy xét trách nhiệm. 

 ÐB Nguyễn Thị Mai Hoa


MỚI - NÓNG