Hàng ngàn người thành thạc sĩ... hụt

Hàng ngàn người thành thạc sĩ... hụt
15 trường ĐH trên cả nước vừa nhận được công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu “hủy công nhận trúng tuyển” đối với hàng ngàn học viên cao học đã được miễn thi môn ngoại ngữ đầu vào do vi phạm thông tư số 10 năm 2011 về quy chế tuyển sinh thạc sĩ.

Hàng ngàn người thành thạc sĩ... hụt

15 trường ĐH trên cả nước vừa nhận được công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu “hủy công nhận trúng tuyển” đối với hàng ngàn học viên cao học đã được miễn thi môn ngoại ngữ đầu vào do vi phạm thông tư số 10 năm 2011 về quy chế tuyển sinh thạc sĩ.

Hàng ngàn người thành thạc sĩ... hụt ảnh 1
 

Trong số này có tên của nhiều trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Theo tinh thần của văn bản này, những học viên đã theo học cao học nửa năm trời có nguy cơ phải dừng bước giữa đường.

Cố tình phớt lờ?

Chị Quỳnh Anh (Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng), tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), là một trong số những người đã được miễn thi ngoại ngữ và trúng tuyển lớp cao học một ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trước khi thi, chị có thâm niên ba năm tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ.

“Nếu buộc phải thay thế bài thi được miễn bằng bài kiểm tra bổ sung, tôi rất sẵn lòng vì chúng tôi học chuyên ngành ngoại ngữ, nói chuyện hằng ngày bằng ngoại ngữ, việc thi cử không có gì khó khăn. Song nếu bảo hủy kết quả thì không thể chấp nhận được” - chị chia sẻ.

Theo chị Quỳnh Anh, chỉ khi được nhà trường cho phép miễn thi ngoại ngữ, bản thân thi các môn còn lại đạt, các học viên trúng tuyển mới được nhận giấy báo nhập học. Trúng tuyển tháng 8-2011, bắt đầu học từ tháng 10-2011, đến nay lớp đã học được gần sáu tháng.

“Phần lớn chúng tôi đóng học phí của nửa khóa học hơn chục triệu đồng, thậm chí có bạn còn hăng hái đóng hết tiền cho cả khóa đào tạo. Bây giờ bảo hủy là hủy ngay được sao?” - chị Quỳnh Anh nói.

Thực tế thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT nêu rõ các môn thi tuyển sinh gồm: ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Bà Hoàng Thị Lan Phương - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - khẳng định chỉ có khoảng 15 trường trên tổng số hơn 130 cơ sở có đào tạo sau ĐH vi phạm quy chế chứng tỏ các trường vi phạm đã cố tình phớt lờ những quy định được ban hành từ cấp bộ nên phải xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, quy chế bộ đưa ra còn nhiều thông tin không rõ ràng có thể dẫn đến hiểu lầm.

“Trong khi quy định cũ ghi chú rõ ràng đối tượng được miễn thi ngoại ngữ thì văn bản mới muốn phủ quyết quy định này nên giải thích rõ không ai được miễn thi nữa, nhưng thông tư không có dòng nào nói về điều này. Ngay cả trong phần hướng dẫn thực hiện cũng không ghi chú chút nào về điều kiện ngoại ngữ”, một cán bộ phụ trách đào tạo trường ĐH phía Nam trần tình.

Bà Hoàng Thị Lan Phương khẳng định không phải tự nhiên mà bộ đưa ra những quyết định “rắn” như vậy.

“Ngay tại đợt thi cao học tháng 8 và 9-2011, bộ đã phát hiện một số trường hợp định “vượt rào” và điều chỉnh ngay. Có trường phải lùi thời gian thi để yêu cầu đối tượng miễn thi trước đó phải thi cùng đợt với tất cả người dự tuyển.

Thậm chí Trường ĐH Kinh tế quốc dân dù bộ đã có nhắc nhở ngay khi phát hiện, yêu cầu tổ chức thi lại, nhưng trường này không thực thi nên buộc bộ phải gửi yêu cầu hủy kết quả, tiến đến xử phạt cả người chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, ngoài trường ĐH khối ngành kinh tế được lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH nhắc đến ở trên, hơn mười trường ĐH còn lại đều kêu không hề được nhắc nhở gì mà bất ngờ nhận ngay lệnh “hủy kết quả”.

“Các trường đều ra thông báo tuyển sinh cao học từ đầu năm, bộ chắc cũng nắm được. Chưa kể, trong quá trình trường tổ chức thi, thanh tra bộ cũng đến tận nơi để kiểm tra. Bộ yêu cầu văn bản gì chúng tôi đưa ra hết, nhưng không thấy bộ ý kiến nên cứ nghĩ thế là đúng. Đùng một cái, bộ yêu cầu trong vòng một tuần lễ phải báo cáo về việc hủy kết quả của những đối tượng trên là điều không tưởng” - lãnh đạo một trường phàn nàn.

Tiến sĩ thì miễn, thạc sĩ lại... không

Trong thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành tháng 2-2012 (ban hành sau thông tư 10) còn quy định rất rõ thí sinh dự tuyển tiến sĩ nếu học ĐH chuyên ngành ngoại ngữ hay học ĐH, Th.S ở nước ngoài cũng sẽ không cần trình các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy định.

Thậm chí, đối với “đầu ra” của đào tạo tiến sĩ thì yêu cầu cuối cùng cũng chỉ là người đã tốt nghiệp ĐH, Th.S ở nước ngoài, người có bằng ĐH ngoại ngữ (kể cả hệ vừa học vừa làm - PV) hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2.

“Có lẽ hai quy chế đào tạo sau ĐH, một dành cho Th.S, một dành cho TS dù đều được ban hành từ bộ, nhưng do hai người có quan điểm hoàn toàn khác nhau soạn thảo. Do đó người có trình độ ngoại ngữ đủ để dự tuyển và bảo vệ luận án tiến sĩ lại vẫn chưa đủ điều kiện... được học thạc sĩ” - một chuyên gia giáo dục phân tích.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, số lượng học viên được miễn thi ngoại ngữ ở các trường bị bộ “tuýt còi” lần này không nhỏ. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có khoảng 300 thí sinh được miễn ngoại ngữ trong tổng số 1.500 chỉ tiêu cao học; ĐH Quốc gia Hà Nội có hơn 600 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ trúng tuyển...

Đó cũng chính là lý do khiến nhiều trường khẳng định “không thể hủy”, cũng “không thể tổ chức thi lại” đối với số lượng thí sinh đã có giấy trúng tuyển, đã nhập học và đã theo học quá lớn như vậy.

Đến chiều 13-3, tức chỉ còn hai ngày là đến hạn bộ yêu cầu các trường báo cáo việc hủy kết quả thi nhưng các trường vẫn “án binh bất động”, chưa trường nào chịu thi hành mệnh lệnh gây thiệt thòi cho học viên này.

Thậm chí, có trường còn chưa thông báo cho học viên về yêu cầu của bộ do lo ngại những phản ứng hoang mang trong lớp học.

Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG