Hàng ngàn căn hộ tái định cư chờ sổ đỏ

Nhiều người dân tại khu TĐC Nam Trung Yên nói, chất lượng dịch vụ công trình rất kém Ảnh: Minh Tuấn
Nhiều người dân tại khu TĐC Nam Trung Yên nói, chất lượng dịch vụ công trình rất kém Ảnh: Minh Tuấn
TP - Hàng ngàn căn hộ đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa biết khi nào mới được cấp sổ đỏ. Nhiều yếu kém trong quản lý nhà tái định cư cũng đã được phát hiện trong buổi giám sát của thường trực HĐND thành phố Hà Nội tại Cty Quản lý và Phát triển nhà vào chiều qua.

> 2.300 tỷ đồng xây nhà tái định cư

Đại diện Cty TNHH nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (được giao quản lý quỹ nhà) thừa nhận còn hơn 4.000 căn hộ trong tổng số hơn 9.427 căn nhà tái định cư (TĐC) đã bàn giao cho người dân nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) do nhiều vướng mắc trong đó có việc thụ lý giải quyết của nhiều quận huyện rất chậm.

Tất cả các hợp đồng của 9.427 căn nhà nêu trên đều không rõ ràng về diện tích sở hữu chung-riêng dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu kiện.

Hầu hết trong 149 toà nhà TĐC đều chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, từng bước nâng cao chất lượng quản lý và minh bạch các khoản thu chi...

Tình trạng chậm sửa chữa thang máy, hệ thống điện nước và dịch vụ cho công trình, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố -đề nghị đơn vị quản lý quỹ nhà làm rõ 2% phí bảo trì được trích từ tiền bán nhà cho toàn bộ hệ thống nhà TĐC đang được sử dụng ra sao.

Cty quản lý cho hay số tiền này đã được thu vào ngân sách khi bán nhà. Tuy nhiên thực tế kinh phí bảo trì trị giá 2% giá bán nhà vẫn chưa được chuyển về để phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, sử dụng tiền cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước để chi cho quản lý, bảo trì quỹ nhà là trái quy định và cần chấm dứt ngay.

“Không thể dùng ngân sách để duy trì sự bao cấp trong quản lý quỹ nhà. Người dân đã được mua nhà thì phải trả đầy đủ các khoản dịch vụ” - ông Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Thịnh, Phó Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND thành phố đề nghị doanh nghiệp quản lý cần xem lại việc áp dụng các quy định của thành phố về giá trông giữ xe, phí quản lý các loại dịch vụ với quỹ nhà này...

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, còn nhiều vướng mắc trong quản lý quỹ nhà TĐC là do quá trình đầu tư xây dựng quỹ nhà này kéo dài nhiều năm, có rất nhiều thay đổi, thậm chí mâu thuẫn về cơ chế chính sách.

Trong một toà nhà TĐC tồn tại cả sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Quỹ nhà lại được đầu tư bằng vốn ngân sách. Có nhiều dự án giải phóng mặt bằng cả chục năm mới xong. Nhiều quy định của Bộ Xây dựng về quản lý nhà chung cư bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Nhằm nâng cao chất lượng quản lý sau đầu tư, ông Tuấn khẳng định, sẽ thực hiện cơ chế cạnh tranh trong quản lý, công ty nào quản lý tốt mới được giao. Đánh giá và giao lại quỹ nhà TĐC hàng năm cho dự án nhằm tránh lãng phí.

“Có quá nhiều loại nhà, nhiều đối tượng, nhiều vướng mắc nên chưa áp dụng mức phí dịch vụ như nhà ở thương mại” - ông Tuấn nói.

Trước nhiều vướng mắc phức tạp trong quản lý quỹ nhà, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu Sở Tài chính, Cty Quản lý & Phát triển nhà, Sở Xây dựng... cần khẩn trương tìm biện pháp tháo gỡ, tìm mô hình quản lý phù hợp cho quỹ nhà TĐC.

“Có tới 16,6% dân cư Hà Nội đang sống trong chung cư, nhà tái định cư. Nếu quy định của Bộ Xây dựng chưa phù hợp thì thành phố phải tháo gỡ chứ không thể ngồi chờ hay buông xuôi được” - bà Thanh yêu cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG