'Hàng độc' ở trường Sơn

'Hàng độc' ở trường Sơn
TP - Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bru Vân Kiều, Hồ Chư, lắc lắc mái đầu lơ thơ mấy sợi tóc bạc mà rằng, ở rẻo cao Đakrông Quảng Trị này ngoài ngón đặc sản thuốc lá Tà Rụt, hiện còn thứ “hàng độc” nữa…

> Tranh Đông Hồ còn lại chút này

Ngẫm lại ông giáo già không quá lời. Một trong những người hiếm “còn-sót-lại” giữa đại ngàn Trường Sơn biết chế tác, hiểu và chơi được tất tật các loại nhạc cụ dân tộc Vân Kiều, Pakô của mình. Ông là Mai Hoa Sen.

Khắc khoải giữ nghề

Rong ruổi xe máy dọc đường Hồ Chí Minh huyền thoại ngót trăm cây số vào xã Tà Rụt, đến bản Ka Hẹp lần thứ hai, tôi mới được diện kiến lão nghệ nhân thất thập này.

Lần trước, ông đang bận theo lớp học tận ngoài làng Cát, áp Quốc lộ 9, do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đakrông mở. Ở đó, ông dạy cách chế đàn, làm khèn và chơi các loại nhạc cụ của người Vân Kiều lẫn Pakô. Nhạc cụ làm ra vừa làm quà lưu niệm.

Một sản phẩm đặc trưng trong chương trình quảng bá du lịch của huyện Đakrông mà bản Cát, xã Đakrông được chọn làm thí điểm. Cao hơn nữa là việc bảo tồn lưu truyền, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới nếp nhà ngói nhỏ bên dòng Đakrông của Mai Hoa Sen, tôi thấy hàng chục chiếc chiêng, sáo, khèn bè nhỏ to dài ngắn đủ loại.

Ông kể, làm một nhạc cụ mất đứt tuần lễ đó! Phải lặn lội vô rừng chọn vật liệu sao cho phù hợp với từng loại nhạc cụ để khi chế ra âm thanh đạt chuẩn độ thanh trong và ngân xa.

Ông bảo: “Như chiếc đàn Toong bằng gỗ này nguyên thủy làm hai thanh gỗ nhưng giờ cải biến lên 12 thanh dùng để đuổi thú giữ nương rẫy hay chơi trong ngày hội mừng lúa mới. Hoặc đàn Môi, đàn Abel dùng cho đàn ông góa vợ, phụ nữ góa chồng. Sáo Aman cho trai gái đi sim tỏ tình nhau. Rồi đàn Ânchung để trai gái đối đáp trong mùa trăng… Nôm na tùy hoàn cảnh mà có kiểu chơi, cách sử dụng làn điệu cho bắt nhĩ”.

Mở cuốn sổ dày đặc những dòng chữ ghi chép tỉ mẩn non hai chục năm qua, ông bảo, đây là những sáng tác của mình với nhiều làn điệu như Têratec tả nỗi niềm con ve sầu, hay điệu Kănaun ca ngợi người con gái đẹp, hoặc điệu Patoi thể hiện lịch sử dân tộc mình gắn với lịch sử cách mạng, vân vân và vân vân.

Sự kỳ công của ông đã góp phần làm sống lại từng làn điệu truyền thống dân tộc Vân Kiều, Pakô. Ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trọng tín giao việc sưu tầm và nghiên cứu những nhạc cụ, những vật dụng truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào mình. “Mình phải nhanh chóng đưa cái hồn về cho bản làng. Mai này lớp già ra đi, lớp trẻ sẽ kế tục nhạc cụ truyền thống”, ông cười vui.

Giữ gìn tinh hoa núi rừng

Nhờ nhiệt huyết của Mai Hoa Sen, cán bộ biết không, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều thanh niên bản Ka Hẹp và của cả xã Tà Rụt này nữa đã biết chơi, biết chế nhạc cụ của dân tộc mình. Lớp trẻ giờ đã mặn mà với tiếng đàn Talư, tiếng khèn bè, đàn Abel, đàn Toong, sáo Aman, đàn Ânchung, đàn Kadon… lắm

Trưởng bản Ka Hẹp, già Pả Sướng

Nghệ nhân Sen bảo, trong một lễ hội năm xưa, có một người con gái cứ mải miết ngắm ông chơi đàn Talư, lúc ông ngoảnh lên thì cô ấy đỏ mặt quay đi. Rồi bằng ngón đàn tiếng hát, dần dà ông đã hút hồn người con gái xinh xẻo nọ. Cô gái đẹp nhất bản ngày ấy giờ là vợ ông, bà Hồ Thị Panh.

Ông nhớ lại, ngày đó, năm 1977, ông xuất ngũ về quê. Ngày lên nương làm rẫy, tối đến lọ mọ gõ cửa từng nhà trong bản trong xã vận động lập đội cồng chiêng. Đội cồng chiêng Tà Rụt ra đời với 17 thành viên, đa phần thanh niên trai trẻ.

Lũ trẻ ban đầu góp mặt uể oải khiên cưỡng lắm, nhưng rồi một thời gian thì rất say rất hứng khi chúng đã thấm đã hiểu sự hay, cái thâm hậu tinh tế nhạc cụ dân tộc mình.

“Cội nguồn của chúng nó mà!”, ông phấn khởi. Trong ngôi nhà nhỏ giữa núi rừng Trường Sơn, lúc rỗi rãi ông lại tỉ mẩn nâng niu các loại nhạc cụ bằng tất cả lòng say mê, sự trân trọng, xem đó như những báu vật. Ông bảo hiện đang truyền lại cho đứa con út học lớp 8 Mai Công Công những điệu nhạc, cách sử dụng và lưu giữ truyền thống của dân tộc mình.

Từ năm 2007 đến nay, ông kể, lặn lội đến các bản làng ở Đakrông, Hướng Hóa, hay vô tận A Lưới, Nam Đông trong Thừa Thiên-Huế để làm công việc mua và sưu tập giúp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam các loại nhạc cụ, cồng chiêng, rồi những chiếc cào cỏ, chày giã gạo...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG