Hàng bình ổn đi đâu?

Nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đã hết hàng từ hơn hai tuần nay
Nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đã hết hàng từ hơn hai tuần nay
TP - Trong khi hàng hóa đang chực chờ tăng giá, hàng bình ổn giá trở thành cứu tinh của nhiều bà nội trợ. Thế nhưng, để mua được một chai dầu ăn hay một ki lô gam đường bình ổn không phải dễ dàng.

 >> Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng bình ổn suốt 12 tháng

Nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đã hết hàng từ hơn hai tuần nay
Nhiều điểm bán hàng bình ổn giá đã hết hàng từ hơn hai tuần nay . Ảnh: Nguyễn Hiền

Trên đường đi làm về, chị Oanh (nhà ở quận Gò Vấp, TPHCM) tranh thủ ghé qua cửa hàng Vissan trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM) để mua chai dầu ăn với giá bình ổn. Nhưng khi tới nơi, chị lại hất vọng ra về khi bên cạnh các nhãn hiệu dầu ăn khác, trên kệ cửa hàng hoàn toàn không thấy bóng dáng chai dầu bình ổn nào.

Đem khúc mắc ra hỏi nhân viên bán hàng, chị được trả lời rằng, dầu ăn đã hết từ mấy ngày nay, chưa biết khi nào mới tiếp tục có hàng.

Rời cửa hàng Vissan, chị Oanh chạy tới cửa hàng Foocomart trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) với hy vọng tại đây có thể mua được dầu ăn bình ổn để kịp về chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Nhưng ai dè, kệ dầu ăn bình ổn của cửa hàng này cũng chung tình trạng “vườn không nhà trống”. Chị Oanh nói: “Mua được chai dầu ăn sao mà vất vả quá, chẳng biết hàng hết thật hay hết giả”.

Không chỉ các cửa hàng nhỏ, ngày 21-2, có mặt tại một số siêu thị như Sài Gòn Satra, Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, Co.op Mart Nguyễn Kiệm..., chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng hàng bình ổn “đi vắng chưa về”, đặc biệt là hai mặt hàng đường và dầu ăn. Riêng tại siêu thị Sài Gòn Satra trên đường 3-2, một nhân viên cho biết mỗi ngày siêu thị quy định chỉ bày lên kệ 5kg đường!

Chị Diệu - chủ cửa hàng bình ổn giá trên đường Lý Chính Thắng (quận 3) cho biết: “Khách tới hỏi đường với dầu ăn bình ổn liên tục nhưng tôi không có hàng để bán. Vì hàng cứ về được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Do hàng bình ổn giá rẻ hơn hàng thường tới cả chục ngàn đồng, nên nhiều người canh để mua lắm”.

Một nhân viên bán hàng tại điểm bình ổn giá của HTX TMDV Đô Thành tại địa chỉ 32/67 Cao Thắng (quận 3) cho biết, mỗi tháng cửa hàng của chị chỉ nhận được 4 thùng dầu ăn (loại 12 chai, mỗi chai một lít), chỉ bán trong vài ba ngày là hết hàng.

Tại một số điểm bình ổn giá khác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đình Phùng... hàng đã hết từ tết, cửa hàng đã nhiều lần gọi điện báo xin nhập thêm hàng, nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đàm Chi Phương - Giám đốc siêu thị Sài Gòn Satra giải thích: “Hàng trong kho vẫn dồi dào, việc châm hàng ít là để tránh tình trạng mua gom hàng để đầu cơ của dân buôn”. Tương tự, đại diện siêu thị Co.op Mart cũng khẳng định: “Đây chỉ là hiện tượng thiếu hàng cục bộ, còn trên toàn hệ thống hàng luôn luôn đủ”.

Chương trình bình ổn giá năm 2010 và dịp Tết Tân Mão đang bước vào những ngày cuối cùng. Sau khi kết thúc chương trình, những mặt hàng bình ổn sẽ được thiết lập mặt bằng giá mới. Việc các doanh nghiệp châm hàng nhỏ giọt, thậm chí ngưng giao hàng trong thời gian dài ra thị trường với lý do “ngăn chặn đầu cơ” như trên liệu có phải là cách găm giữ hàng trong kho chờ qua ngày 31-3 (kết thúc chương trình bán hàng bình ổn giá) sẽ tung ra thị trường?! Bởi chỉ qua một đêm, mỗi ký đường, mỗi lít dầu ăn đã có mức giá chênh lệch tăng từ vài nghìn cho tới hàng chục nghìn đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG