Tòa thị chính mới của thành phố là một công trình hoành tráng bằng khung thép và kính cường lực, được xây dựng ngay bên cạnh tòa thị chính cũ nay đã trở thành thư viện. Cả tháng nay người ta treo ở đây một áp-phích cực lớn với hình ảnh tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bắt tay nhau trong dịp vợ chồng ông Moon tới thủ đô Bình Nhưỡng dự hội nghị liên Triều lần ba, chỉ riêng trong năm nay. Còn nếu tới thăm nhà ga Dorasan, cách khu phi quân sự (DMZ) trên biên giới liên Triều vài trăm mét, khách du lịch sẽ thấy cả loạt ảnh chụp hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều, được đóng khung trang trọng, trưng bày trong khu vực nhà ga để khách du lịch ngắm nhìn. Nhà ga này nằm trên tuyến đường sắt nối hai miền Triều Tiên, được thông tuyến trở lại hồi cuối năm 2007 để tàu hỏa có thể mang nguyên vật liệu từ Hàn Quốc qua Triều Tiên, phục vụ hoạt động của khu công nghiệp Kaesong. Khi trở lại, tàu mang về các sản phẩm hoàn chỉnh, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Nhưng đúng một năm sau, chính phủ Triều Tiên cho đóng cửa tuyến đường sắt liên hợp này với lý do Seoul tiếp tục chính sách đối đầu. Ở thời điểm này, ga Dorasan chỉ mang tính biểu tượng cho ước vọng thống nhất của người dân hai miền Triều Tiên. Hai đầu máy xe lửa vẫn được cho nổ máy dù đứng tại chỗ. Có vẻ như chúng chỉ chờ hàng rào ngăn cách được dẹp đi là sẵn sàng lăn bánh…
Các sự kiện “hòa hợp”, “hòa giải” liên tiếp diễn ra dễ khiến người ta có cảm giác hai miền Triều Tiên sắp bước tới giai đoạn gạt súng đạn sang một bên, cùng nhau nắm tay xây dựng, tái thiết đất nước sau khi thống nhất. Tháng Tư, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất, được tổ chức ở khu vực an ninh chung trên biên giới Hàn - Triều, nhưng ở phần Hàn Quốc quản lý.
Điều làm cả thế giới ngạc nhiên là đúng một tháng sau, hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ hai trong năm 2018 diễn ra trên biên giới, lần này ở phần lãnh thổ do CHDCND Triều Tiên kiểm soát.
Tháng 6, tại Singapore, lần đầu tiên một nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên gặp gỡ một tổng thống Mỹ. Cả hai sau đó đã ra những tuyên bố mang tính lịch sử, dù nhiều nhà quan sát nói chúng chỉ có ý nghĩa biểu tượng, hơn là những cam kết thực chất, có thể cân đong đo đếm được.
Mặc dù sau đó, quan hệ Mỹ-Triều gập ghềnh trở lại, tiến trình đàm phán hạt nhân đình trệ, Seoul và Bình Nhưỡng vẫn liên tục có những động thái xích lại gần nhau. Tháng 9 vừa qua, ông Moon Jae-in và phu nhân đã bay tới Bình Nhưỡng và được đón tiếp trọng thị. Các hình ảnh trên truyền thông cho thấy ông Moon cùng ông Kim đứng trên xe mui trần trong khi người dân Bình Nhưỡng đứng kín hai bên đường vẫy hoa chào đón.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy tiến trình hòa hợp, hòa giải giữa hai miền Triều Tiên vẫn còn lắm gian nan. Sau những hân hoan ban đầu, chắc chắn nhiều người Hàn Quốc sẽ cảm thấy ý niệm về ngày thống nhất còn khá xa, khi nghĩ tới các bước tiếp theo khi đã có thống nhất.
Thu nhập đầu người của Triều Tiên đang ở mức 1.283USD, chỉ bằng 4,4% thu nhập của người miền Nam, theo đánh giá của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Nhiều con số ước đoán về chi phí cho thống nhất đã được đưa ra và tính trung bình, 5.000 tỷ USD là số tiền phải bỏ ra mà phần lớn do Hàn Quốc gánh. Và theo thăm dò năm 2017 của Viện Hòa bình và Thống nhất (Đại học Seoul) chỉ có 53% số người Hàn Quốc tham gia trả lời cho rằng thống nhất là điều cần thiết.
Đó là chưa kể đến các đặc điểm riêng trên chính trường Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in, người có bố mẹ quê gốc ở Bắc Triều Tiên, có thể mạnh mẽ ủng hộ tiến trình hòa hợp và thống nhất hai miền, nhưng chẳng có gì đảm bảo ý niệm đó được đa số chính giới và phe đối lập ủng hộ. Đã thành lệ, cứ trước mỗi kỳ bầu cử ở Hàn Quốc, dù là bầu cử nghị viện hay tổng thống, chủ đề quan hệ với Bình Nhưỡng luôn được phe đối lập khai thác để giành lợi thế. Sau mỗi kỳ bầu cử, rất nhiều chính sách có thể lại bị thay đổi. Nhà ga Dorasan rơi vào cảnh đìu hiu cũng sau kỳ bầu cử quốc hội Hàn Quốc năm 2008 dẫn đến sự ra đời của một chính phủ bảo thủ hơn.
Tháng 9 vừa qua, ông Moon và ông Kim đã cùng nhau lên đỉnh núi Bạch Đầu (Paektu), núi thiêng của người Triều Tiên, gắn với truyền thuyết về sự ra đời của Đàn Quân (Dangun), vị vua đầu tiên của dân tộc Triều Tiên hơn 4350 năm trước.
“Chúng ta (người miền Bắc và người miền Nam) đã sống với nhau 5.000 năm nhưng mới chỉ xa cách 70 năm”, ông Moon nói. Nhưng khỏa lấp khoảng cách được tạo ra và tồn tại 70 năm qua giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là một nhiệm vụ chắc chắn không hề đơn giản và có thể làm được ngày một ngày hai. Và cũng chưa hề có tiền lệ.