Hàn Quốc tranh luận về việc đối xử với người từ chối nhập ngũ

Lính Hàn Quốc canh gác tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhaps.
Lính Hàn Quốc canh gác tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Yonhaps.
TPO - Ngày 13/12, một phiên điều trần đã được thực hiện công khai giữa thủ đô Seoul để mọi người dân được tranh luận về việc chính phủ có nên cho phép người từ chối nhập ngũ làm việc tại các nhà tù hoặc các trạm cứu hỏa thay vì nghĩa vụ quân sự.

Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với tất cả nam giới khỏe mạnh. Họ phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 18 đến 22 tháng.

Hồi tháng 6 vừa qua, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng, những người từ chối nhập ngũ cần một giải pháp thay thế cho nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thăm dò cho phép họ sống và làm việc trong các cơ sở cải huấn trong ba năm.

Các nhà phê bình cho rằng, đề xuất ngồi tù là sự trừng phạt. Điều này khiến Bộ quốc phòng xem xét việc cho phép những người từ chối nhập ngũ làm việc tại các trạm cứu hỏa và giới hạn công việc này trong 27 tháng.

Ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tổ chức một phiên điều trần công khai tại thủ đô Seoul, nơi đám đông tham gia tranh luận  sôi nổi.

Kim Soo-jung, một luật sư đã bào chữa cho một số người từ chối nhập ngũ, cho biết thời hạn làm việc ba năm trong tù đã không tận dụng được tài năng của họ. Bởi lẽ, trong số đó có những người làm bác sỹ và nhiều nghề đa dạng khác nhau. Cô cho biết, việc đưa người ta vào tù một thời gian dài không phải là cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi.

Lee Yong-seok, một nhà hoạt động vì hòa bình đã bị bỏ tù ba năm vì từ chối nghĩa vụ quân sự, kêu gọi nên có thêm lựa chọn cho những người từ chối nhập ngũ. Những người khác lại  đặt câu hỏi về sự công bằng khi cho phép họ tránh nghĩa vụ quân sự.

Ông Lee Nam-woo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phụ trách về nhân sự, phúc lợi, y tế và huy động quân, cho biết, Bộ sẽ đưa ra quyết định sau khi xem xét các ý kiến của công chúng. 

Theo Reuters
MỚI - NÓNG