Hàn Quốc lý giải hiện tượng 'dương tính giả' ở bệnh nhân COVID-19

Người Hàn Quốc đeo khẩu trang khi đi lại trong sân bay Gimpo, Hàn Quốc, ngày 1/5 ảnh: Reuters
Người Hàn Quốc đeo khẩu trang khi đi lại trong sân bay Gimpo, Hàn Quốc, ngày 1/5 ảnh: Reuters
TP - Tháng trước, giới chức y tế Hàn Quốc nêu quan ngại về tình trạng vài chục bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi sau khi điều trị, nhưng sau đó dương tính trở lại.

Phát hiện cho thấy một số người đã thoát khỏi COVID-19 vẫn có thể mắc bệnh lần nữa. Hiện tượng này có thể làm phức tạp những nỗ lực dỡ phong toả, nới lỏng cách ly và sản xuất vắc-xin.

Nhưng sau nhiều tuần nghiên cứu, Hàn Quốc vừa khẳng định đó là hiện tượng “dương tính giả”, gây ra bởi tình trạng các mẩu virus vẫn tồn tại trong cơ thể, nhưng có thể không lây lan. Hàn Quốc cho biết họ có 350 trường hợp như vậy tính đến ngày 6/5.

Hàn Quốc sử dụng xét nghiệm RT-PCR để phát hiện vật liệu di truyền của virus corona. Công nghệ này cho kết quả nhanh và được coi là cách tốt nhất để xác định bệnh nhân có nhiễm virus corona hay không. Nhưng trong một số trường hợp, cách xét nghiệm này có thể phát hiện những mảnh virus cũ tồn tại nhưng không còn gây đe dọa đáng kể cho bệnh nhân hay người khác, nhà nghiên cứu Seol Dai-wu, chuyên gia vắc-xin tại ĐH Chung-Ang ở Seoul, giải thích. 

“Bản thân máy RT-PCR không thể phân biệt các mảnh virus truyền nhiễm với mảnh virus không truyền nhiễm vì nó chỉ phát hiện thành phần của virus”, ông Seol cho biết.

Cái gọi là kết quả dương tính giả này có thể là nguyên nhân nhiều trường hợp đã được điều trị xong nhưng sau đó xét nghiệm lại có kết quả dương tính, theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).

Giới chức Hàn Quốc vẫn đang thu thập bằng chứng để khẳng định giải thích của họ rằng những mảnh đó là từ tế bào virus đã chết, Reuters dẫn lời giám đốc KCDC nói ngày 6/5.

Các bệnh nhân được xét nghiệm lại sau khi họ có triệu chứng mới hoặc được cơ quan chức năng chọn. Chưa đến một nửa số người được xét nghiệm lại tính đến cuối tháng 4 có triệu chứng, nhưng giới chức Hàn Quốc giờ nói rằng những triệu chứng có thể không phải do virus gây ra. Các bệnh nhân tái dương tính với virus corona sau khi đã điều trị xong có vẻ không lây bệnh cho người khác. KCDC chưa tìm ra trường hợp nào đã điều trị xong mà khiến người khác mắc bệnh.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 ở Nga, Mỹ và Singapore đang tăng nhanh.

Nga hôm qua có thêm 11.231 trong vòng 24 giờ, mức tăng kỷ lục theo ngày, nâng tổng số bệnh nhân lên 177.160, vượt qua Đức và Pháp để trở thành quốc gia có số bệnh nhân nhiều thứ năm thế giới. Số người chết vì dịch bệnh ở Nga tăng thêm 88, nâng tổng số tử vong lên 1.625, thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia. Một số người hoài nghi lượng người tử vong vì COVID-19 ở Nga quá thấp vì chính quyền không thể phát hiện chính xác số người chết vì bệnh này trên thực tế. Nhưng chính quyền bác bỏ cáo buộc, nói rằng nguyên nhân là do dịch bệnh bắt đầu ở Nga muộn hơn nhiều nước nên nước này có thêm thời gian chuẩn bị đối phó.

Còn Singapore hôm qua có thêm 741 người mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 20.939, chủ yếu là người sống trong các khu ký túc xá dành cho lao động nước ngoài.

Mỹ báo cáo thêm 24.252 bệnh nhân mới và 2.367 người chết, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên tương ứng là 1.228.603 và 73.431, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/5 nói rằng các bệnh nhân đã khỏi COVID-19 sau đó lại dương tính với virus là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm.  

MỚI - NÓNG