Rocket phóng từ Dải Gaza về phía Israel. Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn tờ RTArabic, quan chức Hamas có tên Ali Baraka tiết lộ “không đồng minh hay thành viên nào của nhóm này biết về thời điểm bắt đầu tấn công” để đảm bảo bí mật hoàn toàn.
Nửa giờ sau khi khai hỏa, Hamas mới bắt đầu liên lạc với các phe kháng chiến của người Palestine và các đồng minh là nhóm Hezbollah và Iran. Hamas cũng đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Baraka nói.
Quan chức Hamas không đề cập đến bất kỳ sự tham gia từ bên ngoài nào vào việc lập kế hoạch tấn công, chỉ nói rằng các đồng minh “hỗ trợ chúng tôi bằng vũ khí và tiền bạc”.
Baraka nói rằng một trong những mục tiêu của Hamas là trả tự do cho các tù nhân Palestine ở Mỹ.
“Chúng tôi có các thành viên Hamas bị kết án chung thân ở Mỹ. Chúng tôi kêu gọi Mỹ trả tự do cho người của chúng tôi trong nhà tù của họ. Mỹ đã thực hiện trao đổi tù nhân. Gần đây họ đã trao đổi với Iran. Vậy vì sao họ không trao đổi tù nhân với chúng tôi?”, Baraka nói.
Hamas lấy vũ khí ở đâu?
Dải Gaza do Hamas cai trị là một khu vực đông dân cư và có ít tài nguyên.
Vùng đất ven biển này gần như bị cắt đứt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới trong gần 17 năm. Sau khi Hamas lên nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, Israel và Ai Cập đã bắt đầu áp đặt một cuộc bao vây nghiêm ngặt và hiện vẫn đang tiếp diễn.
Israel duy trì phong tỏa trên không và trên biển quanh Dải Gaza cũng như một loạt hoạt động giám sát.
Điều này đặt ra câu hỏi: làm thế nào để Hamas có thể tích lũy được số lượng vũ khí khổng lồ cho phép nhóm này thực hiện các cuộc tấn công phối hợp khiến hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Theo Baraka, phong trào Hamas “tự sản xuất rất nhiều thứ”.
“Chúng tôi có các nhà máy địa phương, có thể chế tạo các loại rocket khác nhau với tầm bắn tối đa từ 10 đến 250 km. Chúng tôi cũng có thể chế tạo súng cối và đạn súng cối.”
Ngoài ra, Hamas cũng có nhà máy sản xuất súng trường Kalashnikov và đạn dược ở Dải Gaza.
Theo CNN, Dải Gaza không có ngành công nghiệp nặng nào có thể hỗ trợ sản xuất vũ khí. Nhưng họ cũng có thể sử dụng sắt vụn để chế tạo vũ khí trong mạng lưới đường hầm dưới lòng đất.
Một chuyên gia có tên Ahmed Fouad Alkhatib cho biết khi cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza bị phá hủy trong các cuộc không kích của Israel, những gì còn sót lại như tấm kim loại, ống kim loại, cốt thép, dây điện đã được đưa vào các xưởng sản xuất vũ khí của Hamas và được chế tạo thành ống tên lửa hoặc các thiết bị nổ khác.
Ngoài ra, đạn dược chưa nổ của Israel cũng sẽ bổ sung vào chuỗi cung ứng của Hamas. Alkhatib cho biết: “Hoạt động của quân đội Israel đã gián tiếp cung cấp cho Hamas những nguyên vật liệu vốn bị giám sát chặt chẽ hoặc bị cấm hoàn toàn ở Dải Gaza”.