Ham sống
Bị cáo cầu xin tòa cho giảm án để được sống, còn có ngày về với vợ con nhưng tòa vẫn tuyên y án tử hình. Nước mắt anh ta bỗng bật rơi khi bị dẫn giải đến nơi lưu phạm.
Bị cáo Nhỏ trong giờ nghị án tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tuyết Dân. |
Người đàn ông này đang phải trả giá cho hành vi giết người mà anh ta đã làm 13 năm trước.
Khi ấy, 23 tuổi, sau khi xuất ngũ, Lê Văn Nhỏ (quê ở Tiền Giang) đến xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM làm nghề phụ hồ. Tại đây, Nhỏ gặp và yêu thương, chung sống với chị Đ.T.G. như vợ chồng, có một con chung.
Sống chung được hai năm, một chiều Nhỏ đi nhậu về kêu vợ dọn cơm ăn. Chị G. kêu chồng “ăn cơm nguội đi” khiến Nhỏ nổi giận đùng đùng, chộp con dao đuổi đánh vợ. Cha chị G. ở gần đó hay chuyện vội chạy sang khuyên can thì bị Nhỏ chém chết.
Cuộc trốn chạy
Gây án xong Nhỏ bỏ trốn, cho đến một ngày giữa tháng 1-2011 mới bị bắt theo lệnh truy nã.
Tháng 1-2012, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Nhỏ mức án cao nhất: tử hình về tội “giết người”. Nhỏ kháng cáo, nói án nặng quá, xin tòa cho một con đường sống để còn về tìm vợ con chuộc lỗi.
Vợ con mà bị cáo nhắc đến lại không phải là chị G. và đứa con đầu tiên... Trong chặng đường lẩn trốn, Nhỏ đã làm quen rồi chung sống, có con với người phụ nữ khác.
Anh ta che đậy tội lỗi cũ bằng hoàn cảnh đáng thương: vô gia cư, không còn người thân nào. “Cô ấy không chút hoài nghi mà còn thương bị cáo hơn nữa” - bị cáo cho biết. Chỉ đến ngày Nhỏ bị bắt, chị mới vỡ lẽ về sự dối lừa nên đã bỏ đi.
Kiểm sát viên khẳng định: “Người vợ mới may mắn ở chỗ không biết tội lỗi tày trời của bị cáo. Chứ nếu biết, giả sử có thể quá yêu hay vì không muốn con mất cha mà chị che giấu cho chồng thì vô tình cũng mang tội bao che tội phạm. Bị cáo có thấy tàn nhẫn không?”. Nhỏ im lặng. Anh ta hối hận vì gây khổ cho người vợ đến sau. Nhưng chị đã không đến dự phiên tòa.
Trong ngày xét xử sơ thẩm, Nhỏ được gặp những người từng thiết thân với mình. Họ là anh, là em của chị G.. Khi chủ tọa hỏi: “Mười mấy năm chạy trốn bị cáo có thấy ăn năn, day dứt nghĩ đến mẹ con chị G. không?”. Bị cáo đáp gọn lỏn: “Không”.
Câu trả lời khiến vị chủ tọa nhăn mặt. Từ hàng ghế dự khán cũng bất ngờ bật dậy mớ thanh âm biểu hiện sự phẫn nộ: “Người đâu mà vô tình”, “Có trái tim không vậy?”... Khi lời xôn xao vừa dứt, không gian khán phòng bỗng chùng lại, im phăng phắc khi tiếng khóc nức nở của chị T., em chị G. vang lên.
Nước mắt
Giờ nghị án, trong lúc mọi người bỏ ra ngoài để thoát khỏi bầu không khí trĩu nặng, đặc quánh sự oán trách dành cho bị cáo, T. vẫn nán lại. Chị nói cả gia đình và bản thân chị G. đã thứ tha cho Nhỏ.
Không phải vì 13 năm đằng đẵng bôi xóa mọi vết thương mà vì họ muốn quên đi quá khứ để sống cho hiện tại, cho đứa con gái đã 14 tuổi của bị cáo chưa một lần biết đến mặt cha. Cuộc sống thuộc về người ở lại...
“Nhưng nghe ảnh khai như vậy, tôi không tránh khỏi đau lòng. Hồi đó, cha tôi cũng vì thương tính nết hiền lành của ảnh mà vun đắp cho hai người. Cũng chính cha cho vợ chồng anh chị một căn nhà ra riêng, mua sắm mọi vật dụng để họ vơi bớt gánh nặng, lo dựng xây hạnh phúc. Vậy mà... Chúng tôi lầm người sao?”. Câu hỏi của chị rơi trong thinh lặng.
Đưa mắt nhìn về hướng Nhỏ đang ngồi, chị T. tiếp: “Con bé giống anh như đúc. Đi ngoài đường gặp hai cha con, dù không biết người ta cũng nghĩ ngay là ruột thịt”.
Nhỏ cúi đầu, im lặng. Lát sau, anh ta mới quay sang hỏi: “Sao G. không đến? Còn con bé có biết chuyện không? Có hỏi gì về tôi không?”. “Không. Mọi người giấu hết. Chị G. có chồng, đang yên ổn với gia đình mới, đến để làm gì? Riêng con bé vẫn nghĩ người kia là cha ruột của mình. Nó học lớp 7. Ai cũng nhủ nhau sẽ giấu nó đến cùng. Nếu mai này con anh biết chuyện thì đó là số phận thôi”.
Nhỏ lại im lặng, nhưng đôi mắt đã đỏ hoe. Giọt nước mắt chạnh lòng, ăn năn, xót xa bất chợt lăn dài trên gương mặt trắng xanh nhợt nhạt. Đó là lần đầu tiên Nhỏ khóc.
Khi còn vài phút nữa đến giờ tuyên án, Nhỏ tiếp tục quay nhìn về phía người em vợ, rưng rưng: “Ừ, đừng cho nó biết. Nhắc mọi người coi đó là bí mật, sống để bụng, chết mang đi. Tôi cũng mong gặp con. Nhưng...”. Sau câu nói đứt quãng, anh ta lại cúi mặt, lần thứ hai bật khóc.
Phiên phúc thẩm, TAND tối cao tại TP.HCM sáng 24-4, xung quanh bị cáo không bóng dáng một người liên quan, kể cả phía gia đình bị hại. Tòa hỏi: “Bị cáo có người nhà đến dự không?”. Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm, Nhỏ quay nhìn một lượt về sau, lắc đầu.
Giờ nghị án trôi nhanh, khi phiên tòa tiếp tục, vị chủ tọa tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án tử hình, gương mặt Nhỏ vẫn lạnh tanh, ráo hoảnh. Nhưng sự gắng gượng kéo dài không được bao lâu, lúc cảnh vệ đưa bị cáo ra khỏi phòng xét xử, gương mặt ấy bất ngờ co dúm lại, những giọt nước mắt bỗng bật rơi, bước chân như muốn đổ sụp, khuỵu xuống.
Theo Tuyết Dân
Tuổi Trẻ