Dù mới được phát triển, hạm đội tàu ngầm của Hàn Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hải quân Triều Tiên sở hữu hơn 70 chiếc tàu ngầm và đang phát triển các loại tên lửa đạn đạo. Hàn Quốc coi tàu ngầm là một trong những khí tài chủ lực trong các chiến dịch tấn công Triều Tiên khi xảy ra chiến tranh, cũng là nền tảng lý tưởng để trang bị tên lửa hạt nhân trong trường hợp chúng được phát triển trong tương lai, theo National Interest.
Trước đây, hải quân không phải là lực lượng được Hàn Quốc ưu tiên phát triển. Cho đến năm 1976, Hàn Quốc chỉ có vài tàu khu trục, tàu hộ tống, quét mìn, tuần tra và đổ bộ, chủ yếu để đối phó với các tàu đổ bộ Triều Tiên và hỗ trợ thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Tới tháng 2/1988, chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thành lập lực lượng tàu ngầm.
Tàu ngầm tấn công đầu tiên của Hàn Quốc là chiếc SS-61 (Jang Bogo). Đây là tàu ngầm diesel - điện lớp Type 209 do Đức chế tạo, có lượng giãn nước 1.285 tấn khi lặn và thủy thủ đoàn 35 người. Tàu được trang bị 8 ống phóng cỡ 533 mm, mang theo 14 ngư lôi hạng nặng Atlas Electronik SUT Mod 2 hoặc 28 quả thủy lôi. Một số tàu sau này được cải tiến để phóng tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon của Mỹ.
Hàn Quốc sau đó mua thêm 8 tàu lớp Type 209, trong đó chiếc thứ hai và thứ ba lắp ráp trong nước từ các linh kiện do Đức cung cấp. Các tàu về sau liên tục được tích hợp thêm linh kiện nội địa của Hàn Quốc. Những chiếc Type 209 của nước này được đánh giá là biến thể Type 209 êm nhất thế giới.
Năm 2001, Hàn Quốc biên chế tàu ngầm cuối cùng thuộc lớp Type 209 với tên gọi Lee Eokgi. Nước này dự kiến trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) cho cả 9 tàu ngầm lớp Type 209 trong tương lai, đồng thời bổ sung cụm thiết bị định vị thủy âm (sonar) bên sườn để nâng cao khả năng giám sát xung quanh.
Hải quân Hàn Quốc sau đó đặt mua 9 tàu ngầm diesel - điện lớp Type 214 trong chương trình mang tên KSS-II. Cả 9 chiếc đều được tập đoàn Hyundai Heavy Industries chế tạo tại Hàn Quốc với trang thiết bị do Đức cung cấp. Chiếc cuối cùng có tên Sin Dol-Seok được biên chế hồi tháng 9 năm nay. Hạm đội 18 tàu ngầm của Seoul dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện vào năm 2019.
Các tàu ngầm thuộc dự án KSS-II được Hàn Quốc gọi là lớp Son Won Il, có lượng giãn nước gấp đôi Type 209, sở hữu hỏa lực tương đương và thủy thủ đoàn 40 người. Đây là những tàu ngầm đầu tiên của Hàn Quốc được thiết kế với hệ thống AIP, thay vì phải nâng cấp như Type 209, cho phép chúng lặn liên tục trong vòng hai tuần ở độ sâu 250-400 m.
Seoul cũng đang thúc đẩy dự án chế tạo tầu ngầm KSS-III. Đây là những tàu ngầm nội địa thực sự đầu tiên của nước này, dù vẫn chịu ảnh hưởng thiết kế của Đức. Lớp KSS-III dự kiến có lượng giãn nước 3.750 tấn khi lặn, lớn gấp ba lần những chiếc Type 209 đầu tiên của Hàn Quốc.
Lễ hạ thủy tàu ngầm cuối cùng trong dự án KSS-II của Hàn Quốc. Ảnh: Choson.
Điểm nổi bật của KSS-III là 6 ống phóng thẳng đứng (VLS) phía sau tháp chỉ huy để khai hỏa tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B. Vũ khí mới cùng hệ thống AIP sẽ giúp các tàu ngầm KSS-III ẩn mình trong lòng biển trong thời gian dài, sau đó tung đòn tấn công ồ ạt nhằm vào Triều Tiên khi nổ ra chiến tranh.
Trong trường hợp Hàn Quốc quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân, tàu ngầm KSS-III là nền tảng lý tưởng để Seoul triển khai lực lượng răn đe chiến lược đối trọng Bình Nhưỡng, do chúng có thể tránh được đòn tấn công phủ đầu từ pháo binh, đặc nhiệm và vũ khí hạt nhân của đối thủ.
Hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng thành lực lượng uy lực với số tàu tương đương Nhật Bản. Việc chế tạo tàu ngầm thế hệ ba sẽ giúp nước này sở hữu hạm đội mạnh và linh hoạt, có thể thực hiện các đòn tấn công thông thường lẫn răn đe hạt nhân trong tương lai, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.