Vào 7h50 phút ngày 18/1/2019, vệ tinh "Made in Vietnam" MicroDragon do đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế, chế tạo được phóng lên vũ trụ, đánh dấu bước phát triển mới trong ngành công nghệ vũ trụ non trẻ ở Việt Nam. Chỉ một ngày sau khi được phóng, MicroDragon đã 3 lần phát tín hiệu về mặt đất. Gần 4 ngày sau khi phóng lên vũ trụ, MicroDragon đã chụp những bức ảnh đầu tiên tại Mỹ và Úc. Quá trình này tưởng như suôn sẻ, tự động nhưng thực tế phía sau là những giây phút thót tim, hồi hộp đến căng thẳng của những người trong cuộc.
TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế hệ thống không gian, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chia sẻ, để có thể vận hành MicroDragon, một nhóm 5 cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sang Nhật cùng một cán bộ khác đang theo học tại đây. Vệ tinh có nhiều cụm thiết bị khác nhau, mỗi bạn phụ trách một thiết bị. Có bạn phụ trách xử lý ảnh, có bạn làm hệ thống và phần mềm, một bạn điều khiển tư thế, bạn làm truyền thông. TS Lê Xuân Huy quản lý chung.
TS Huy kể, quá trình thử nghiệm vệ tinh trên quỹ đạo thường kéo dài từ 3-6 tháng nhưng các anh chỉ có 5 ngày. Vì thế, mọi công việc phải ép rất chặt với nhau. Kế hoạch ban đầu có xê dịch nhiều nên nhóm vận hành phải ứng biến rất nhiều. Hầu hết thời gian vận hành thử nghiệm ban đầu, nhóm làm việc từ sáng đến xuyên trưa, nhiều khi giật mình nhìn lên đã thấy 4-5h chiều nên đành ăn tạm mỳ tôm. Hầu hết hai tuần ở Nhật ăn mỳ tôm cùng với cường độ công việc cao nên nhiều người sụt cân nhanh, có người về đến Việt Nam là sụt tới 5kg.
TS Huy kể thêm, trước đây khi phóng PicoDragon (vệ tinh siêu nhỏ 1kg do đội ngũ kỹ sư Việt Nam chế tạo trước đây), anh em vui mừng vô cùng nhưng lần này, nhận được tín hiệu từ MicroDragon vừa vui vừa lo vì còn nhiều việc phải làm phía sau. Chỉ đến khi vệ tinh hoạt động ổn định và truyền ảnh về thì anh em mới thở phào.
Mỗi ngày MicroDragon chạy qua trạm thu tín hiệu mặt đất (ở Nhật Bản) 3-4 lần, mỗi lần chỉ khoảng 10 phút. Đây là khoảng thời gian để đội ngũ vận hành tương tác với vệ tinh như kiểm tra sức khỏe của vệ tinh với hơn 100 thông số, trong đó quan trọng nhất là lượng pin và điện áp ra sao, để có kế hoạch vận hành cho lần tương tác tiếp. “Thời gian tương tác ngắn ngủi trong khi có những lần đang tương tác thì máy tính bị treo, có lần thì không liên lạc được, rất nhiều yếu tố không lường trước được do hệ thống vận hành chúng ta đang đi mượn”, TS Huy kể. Hiện nay, Việt Nam chưa có hạ tầng của ngành công nghệ vũ trụ, các trạm thu phát tín hiệu vẫn phải nhờ Nhật Bản.
Một phen thót tim khác khiến TS Huy cùng cộng sự hoảng hốt, ấy là khi vừa điểm lửa thì tên lửa Epsilon xịt khói đen. Trong quá trình phóng tên lửa, tính an toàn được đặt lên hàng đầu. Trong tên lửa có những vệ tinh khác đắt hàng trăm triệu USD, chỉ một con ốc sơ sẩy văng ra, xì hơi, khói thì đi luôn, mất hàng trăm triệu USD đấy. Vì vậy, MicroDragon cũng như các vệ tinh khác phải trải qua một quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt, nguyên tắc của phóng vệ tinh là tên lửa của mình không ảnh hưởng đến vệ tinh của người khác.
Hiện nay, sau khi vệ tinh đã vận hành ổn định, nhóm cán bộ của TS Lê Xuân Huy về nước, việc vận hành được giao cho một cán bộ Việt Nam theo học tại Nhật Bản. Theo thiết kế, MicroDragon có thể hoạt động trong 2 năm song kinh nghiệm thực tế từ trước cho thấy, vệ tinh có thể hoạt động 4-5 năm trên quỹ đạo.