Hải quan tâm nguyện “không để... mất mình”

Hải quan tâm nguyện “không để... mất mình”
TP - Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu xuân ngày 4-2, trong ít lần hiếm hoi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc có những lời “đầu- cuối” nhìn lại năm qua.

> Lại hoãn xử cán bộ hải quan nhận hối lộ
> Truy tố cán bộ Hải quan nhận hối lộ

Điểm 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Hải quan năm 2012, vị Tổng cục trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận do nằm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, những khó khăn của hải quan cũng lộ diện dần. Lấy ví dụ về thu ngân sách, ông thừa nhận năm 2012 số thu không đạt, nhưng đó là “hụt thu” chứ không phải là “thất thu” như mọi người hiểu.

Cụ thể hơn, ông phân tích: tính đến hết ngày 31-12-2012, số thu thuế ngành hải quan đạt hơn 197.000 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Năm nay kinh tế khó khăn, kế hoạch ban đầu còn dự kiến là nhập siêu nhưng cuối cùng lại chuyển sang xuất siêu. Rất nhiều mặt hàng trước đây vốn thu cao như ô tô, điện thoại, thì do kinh tế khó khăn đều chững lại, sức khoẻ doanh nghiệp yếu, hàng nhập khẩu về cũng ít hơn ...đó là nguyên nhân khách quan khiến thu ngân sách giảm.

“Còn về chủ quan, nói không phải để tự hào nhưng trên thực tế chúng tôi đã cố gắng gấp đôi sức mình. Những ngày cuối năm, anh em tại các đơn vị phải làm việc cật lực. Đây cũng là năm đầu tiên mà đích thân tôi phải đi đến từng đơn vị đôn đốc, động viên cán bộ ngành” - Tổng cục trưởng Hải quan cho biết.

Nhìn rộng sang các lĩnh vực khác, nếu so sánh, 2012 quả là năm ngành Hải quan có nhiều dấu ấn. Nổi bật là sự kiện lần đầu tiên Chủ tịch nước gửi thư khen Hải quan T.P HCM với việc phát hiện và triệt phá nhiều vụ vận chuyển hàng cấm, ma túy và buôn lậu trốn lậu thuế. Kế nữa phải kể đến việc phát hiện hơn 20.000 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, trị giá hàng hóa hàng trăm tỷ đồng, thu nộp NSNN ước đạt 200 tỷ đồng; triệt phá thành công nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm qua tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không.

Đặc biệt câu chuyện khiến báo chí ồn ào và tốn nhiều giấy mực hơn cả chính là khi ngành hải quan “xới” lên vấn đề về sự “lập lờ” của hàng tạm nhập tái xuất với đỉnh điểm của vấn đề là vụ việc vào tháng 7-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt quả tang vụ lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất buôn lậu 1.650 tấn xăng (khoảng 27 tỷ đồng) trên biển. Đây cũng được xem là tiền đề để Chính phủ, các cơ quan chức năng nhà nước cùng vào cuộc lập lại trật tự hoạt động tạm nhập tái xuất.

Một năm cũ qua đi. Mong ước thì nhiều nhưng không phải điều gì cũng dễ dàng biến thành hiện thực.

“Môi trường hải quan rất khắc nghiệt, chỉ một phút lơi là có thể đánh mất mình. Cho nên sang năm mới này, ngoài quyết tâm lên kế hoạch thực hiện tốt các đầu việc được giao, chúng tôi còn có một tâm nguyện phải làm thế nào để phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh được những giải pháp về phòng chống buôn lậu. Muốn làm được, phải làm sao để anh em sống được bằng đồng lương của mình, không để những vụ lợi bên ngoài xâm lấn” – Vị Tổng cục trưởng chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG