Hải quan giảm thanh kiểm tra doanh nghiệp hậu dịch COVID-19

Ngành Hải quan tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm thủ tục XNK hàng hóa
Ngành Hải quan tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm thủ tục XNK hàng hóa
TP - Trước diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã chủ động nắm bắt tình hình, rà soát các quy định, tạo thuận lợi thương mại tối đa, đẩy mạnh chống tiêu cực, vi phạm.  

Không kiểm tra định kỳ với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm

Theo bà Đào Thu Hương, Cục phó Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan (TCHQ), trước diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống kinh tế - xã hội trong nước và thế giới, Bộ Tài chính và TCHQ đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế, rà soát quy định của pháp luật. Đồng thời, thu thập ý kiến của các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước, các Hiệp hội doanh nghiệp (DN), các chuyên gia và cá nhân, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các nước để có giải pháp phù hợp.

Cụ thể, ngày 7/2/2020 Bộ Tài chính đã ban hành quyết định danh mục các mặt hàng được miễn thuế NK phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế XK, thuế NK để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, XK.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 125/2017/NĐ-CP về Biểu thuế XK, Biểu thuế NK ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô. 

“Thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3, TCHQ không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, không để DN lợi dụng chủ trương này để vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, TCHQ đã có một số công văn gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới”, bà Hương cho hay.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Thuế XNK, tổng cục đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố nắm chắc nguồn thu, nhất là tình hình XK, NK với các nước Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, phải bám sát tình hình hoạt động XNK của các DN hoạt động trên địa bàn quản lý, nhất là các DN có XNK với các quốc gia trên,… để kịp thời có báo cáo, phản ánh phục vụ công tác điều hành ngân sách nhà nước phù hợp.

Nghiêm cấm công chức hạch sách, nhũng nhiễu

Ông Vũ Lê Quân, Cục phó Cục Giám sát quản lý cho biết, thời gian tới, toàn ngành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan.

“Ngành Hải quan nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu hoặc có các biểu hiện tiêu cực, hạch sách, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nộp, xuất trình các chứng từ, nộp các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật, làm chậm quá trình thông quan hàng hóa, gây thiệt hại hoặc làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục Giám sát quản lý khẳng định.

Hải quan giảm thanh kiểm tra doanh nghiệp hậu dịch COVID-19 ảnh 1 Tổng kim ngạch XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 196,8 tỷ USD

Các giải pháp về công nghệ thông tin cũng được chú trọng nâng cao để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; đẩy mạnh kết nối trao đổi thông tin với các Bộ, ngành khi giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, theo ông Quân, chủ trương của TCHQ tạm dừng hoạt động kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan trong năm 2020. Đối với trường hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu vi phạm và thanh tra, kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, công chức kiểm tra phải nêu rõ dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro và được sự phê duyệt của lãnh đạo đơn vị. Nếu DN có ý kiến đề nghị, giải trình cụ thể, xin chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì lãnh đạo đơn vị phải xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh hoạt động thu nhập, phân tích thông tin để phát hiện dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro; chuẩn bị kỹ kế hoạch trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra đảm bảo các cuộc kiểm tra sau thông quan được thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

“Việc thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Hải quan trong các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19”, lãnh đạo Cục phó Cục Giám sát quản lý cho biết thêm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Covid-19 kéo kim ngạch XNK hàng hóa tiếp tục giảm. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, kim ngạch NK một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm, như: xăng dầu các loại giảm 48,1%, ô tô nguyên chiếc giảm 44%, sắt thép giảm 15,9%, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3%,... Điều này tác động làm giảm thu ngân sách từ hoạt động XNK.

Tổng thu ngân sách ngành Hải quan trong 5 tháng đầu năm đạt 123.485 tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán, bằng 34,8% chỉ tiêu phấn đấu và giảm tới 25.621 tỷ đồng, tương đương giảm 17,18% so với cùng kỳ năm 2019, tức là 149.106 tỷ đồng.

Trong đó, một số đơn vị hải quan địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp đến số thu như: Cục Hải quan TPHCM giảm 19,3%; Cục Hải quan Hải Phòng giảm 25,74%; Cục Hải quan Đồng Nai giảm 24,76%; Cục Hải quan Bà Rịa Vũng Tàu giảm 17,98%; Cục Hải quan Bắc Ninh giảm 15,1%; Cục Hải quan Hà Nam Ninh giảm 17,2%; Cục Hải quan Hà Nội giảm 5,8%; Cục Hải quan Bình Dương giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

MỚI - NÓNG