Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, từ năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, các biện pháp phòng vệ thương mại được Mỹ áp dụng mạnh mẽ, chủ yếu là hạn chế thuế quan, chống bán phá giá, chống trợ cấp xuất khẩu, siết chặt xuất xứ hàng hóa...
Trước diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, để trốn tránh mức thuế cao, đã xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Lộc, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các lực lượng Kiểm tra sau thông quan và Điều tra chống buôn lậu thu thập thông tin, phân tích đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ (GLXX), điều tra, xác minh với lực lượng chủ công là Cục Kiểm tra sau thông quan.
Trong đó, nổi lên các dấu hiệu được Hải quan đưa vào tầm ngắm là các DN có các nhóm hàng xuất khẩu (XK) sang Mỹ có kim ngạch cao đột biến như xe đạp, pin năng lượng mặt trời, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và nhiều mặt hàng khác.
“Giai đoạn 1, cơ quan Hải quan đã kiểm tra, xác minh 76 vụ, phát hiện 29 vụ vi phạm; phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ có dấu hiệu làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ; Tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thực hiện thu nộp ngân sách 47 tỷ đồng”, ông Lộc chia sẻ.
Cụ thể, đối với nhóm hàng xe đạp, xe đạp điện, theo ông Lộc, cục đã kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp (DN) lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu (XK) đi Mỹ. Qua đó, phát hiện cả 4 DN đều vi phạm xuất xứ Việt Nam.
“Các DN này nhập khẩu (NK) đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện NK không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ gia công đơn giản, không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in Label cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh không đủ điều kiện đạt xuất xứ “Việt Nam”, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay.
Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, theo ông Lộc, các lực lượng đã kiểm tra sau thông quan 7 DN, qua đó phát hiện 6 DN vi phạm xuất xứ Việt Nam.
“DN XK tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được họ mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam, và NK trực tiếp từ nước ngoài. Các tấm Module năng lượng mặt trời XK của DN được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện NK hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTSH để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định”, vị cục trưởng cho biết thêm.
“Kết quả này đã lan tỏa trong cộng đồng DN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN XNK để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm. Đồng thời, cộng đồng DN được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, DN đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam”.
Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc
Đáng chú ý, đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, lực lượng Kiểm tra sau thông quan đã kiểm tra 12 DN, qua đó phát hiện 9 DN vi phạm xuất xứ Việt Nam.
Theo Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc, thủ đoạn của các DN này là NK hoặc mua lại từ hàng NK dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc NK ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail,) không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam...
Đối với nhóm hàng thủy sản, lực lượng Hải quan đã kiểm tra 2 DN và cả 2 DN có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa.
Ở giai đoạn 2, Cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành quyết định kiểm tra 20 DN, phát hiện 15 DN vi phạm xuất xứ hàng hóa. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị VCCI thu hồi 803 C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả).
Để đạt được kết quả trên, ông Lộc cho rằng, nhờ có sự tập trung chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính và sự triển khai đồng bộ, quyết liệt của Tổng cục Hải quan.
“Kết quả này đã lan tỏa trong cộng đồng DN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN XNK để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm. Đồng thời, cộng đồng DN được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, DN đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam”, Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc phấn khởi.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được như đã nêu ở trên, theo vị cục trưởng cũng đem lại số thu hơn hàng chục tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
Thời gian tới, ngoài hàng hóa XK sang thị trường Mỹ, Cục Kiểm tra sau thông quan tiếp tục tăng cường nắm bắt thu thập, phân tích thông tin và kiểm tra dấu hiệu vi phạm xuất xứ liên quan đến việc thực hiện các FTA song phương, đa phương mà nước ta đã ký kết.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và hiện đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350% .